Theo thống kê của Sở Lao động Thương binh Xã hội TP HCM, số trẻ sơ sinh bị bỏ rơi trong 3 năm qua không hề có dấu hiệu giảm. Chỉ tính riêng Bệnh viện phụ sản Từ Dũ, trung bình mỗi năm tiếp nhận chăm sóc hơn 180 trẻ vô thừa nhận.
![]() |
Một trẻ được chăm sóc tại khoa sơ sinh BV Từ Dũ. Ảnh: M.L |
Trẻ bị bỏ rơi thường là đa khuyết tật, dị dạng, nhiễm HIV
Trước đây, thậm chí nhiều gia đình vứt bỏ con chỉ vì trẻ bị sứt môi hở hàm ếch. Nhưng vài năm trở lại đây, các khuyết tật trên được y học khắc phục dễ dàng, nên tình trạng này giảm đi. Hiện các trẻ bị từ chối thường là vì đa dị tật, bị dị tật về thần kinh, những bệnh mà y học chưa có khả năng chữa trị...
"Người ta thường lặng lẽ bỏ rơi đứa con khuyết tật sau 1-2 tuần tới lui thăm nom. Họ bỏ con vì thật sự không thể chịu đựng nổi khi nhìn thấy đứa con bất hạnh của mình...", một bác sĩ ngậm ngùi.
Theo các bác sĩ, có những bà mẹ đến trình bày hoàn cảnh, tình cảm rồi cho biết sẽ không đến nữa. Họ "gửi" con lại nhờ bệnh viện lo lắng giúp. Những trường hợp này, thường thì người mẹ chưa được nhìn thấy con. Bệnh viện đã gửi bé có tình trạng dị tật, dị hình vào khoa sơ sinh chăm sóc tránh cho người mẹ bị sốc sau khi mới sinh.
Cũng có nhiều gia đình lấy cớ mang đứa trẻ đến bệnh viện khám bệnh rồi bỏ lại, hoặc mang trẻ đặt bên ngoài bệnh viện. "Có thể vì không chịu nổi nỗi đau khi ngày ngày đối diện với đứa bé, hoặc sự chăm sóc vượt quá khả năng của gia đình... Những người này dù sao cũng đáng được thông cảm vì đó là một nỗi đau khủng khiếp về tinh thần. Có người mẹ gần như phát điên khi thấy con mình dị dạng", bác sĩ Xuân bày tỏ.
Một số khác, nhờ kỹ thuật chẩn đoán biết trước tình trạng đứa bé, họ chủ ý khai địa chỉ "ma" khi nhập viện làm thủ tục sinh nở. "Với hy vọng gia đình sẽ suy nghĩ lại mà đón con mình trở về, vì vậy trước khi làm thủ tục chuyển danh sách các bé bị bỏ rơi sang Sở Lao động Thương binh Xã hội, bệnh viện thường gửi thư hoặc tìm số điện thoại liên lạc với gia đình 2-3 lần, nhưng hầu như thư thường bị trả về với lý do địa chỉ không đúng", bác sĩ Xuân cho biết.
Kết quả của những mối tình vụng dại
Theo sơ Nhất - người cưu mang các "bé bầu" lỡ dại nhưng không muốn phá thai tại Bệnh viện Từ Dũ - các bà mẹ trẻ mà sơ chăm nom tuổi đời thường chưa đến 20. Họ có cùng hoàn cảnh: bị "người yêu" dụ ăn trái cấm rồi lỡ mang thai. Sau đó "chàng" lặn mất tăm khi biết tin. Vì còn quá trẻ, họ hoặc đang là học sinh đang học lớp 11, 12, hoặc đang là sinh viên hay công nhân, rất ngơ ngác trước kiến thức về sinh sản, tình yêu hôn nhân gia đình. Do đó đến khi thai to mới biết và không thể giải quyết được nữa. Lo sợ không dám cho gia đình biết nên mới tìm đến sơ Nhất để nương náu chờ sinh con.
"Trong thời gian chờ sinh, tôi cố gắng liên hệ với gia đình các em. Cố gắng khuyên giải cha mẹ, người thân bỏ qua mọi chuyện, tha thứ cho con em mình và đón mẹ con về nhà. Nhưng việc này ít khi nào thành công. Gia đình các em lấy lý do hoặc hoàn cảnh khó khăn, hoặc vì danh dự gia đình để từ chối...", sơ Nhất kể.
Và các cô gái đó đành phải bỏ con hoặc làm các thủ tục cho đi núm ruột của mình.
"Những tháng tới đây mái ấm sẽ rất bận rộn do có nhiều trẻ bị bỏ rơi. Đấy là hệ quả của những kỳ nghỉ lễ năm trước", sơ Nhất ngậm ngùi tiên đoán.
Tuy nhiên, số phận những trẻ bình thường bị bỏ rơi vẫn có tương lai hơn các em bị dị tật. Một nhân viên làm công tác xã hội, chăm sóc trẻ mồ côi cho biết: "Những đứa bé lành lặn bị bỏ rơi có cơ may được các gia đình hiếm muộn nhận về nuôi dưỡng. Vì thế dù sao tương lai của các em cũng tốt hơn. Các trẻ khuyết tật mới thật sự buồn vì rất hiếm người nhận nuôi dưỡng".
Tại Bệnh viện Từ Dũ, những trẻ bị bỏ rơi, sau 30 ngày được chăm sóc tại bệnh viện, nếu không trong tình trạng cấp cứu, có sức khỏe bình thường, đạt cân nặng từ 2,5 kg trở lên sẽ được chuyển danh sách sang Sở Lao động Thương binh Xã hội. Cơ quan này sẽ căn cứ vào tình trạng các trẻ để lập danh sách đưa các cháu vào một trong 4 cơ sở nuôi dưỡng trẻ mồ côi do Sở quản lý, bao gồm: Trung tâm bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè, Trung tâm bảo trợ trẻ mồ côi Tam bình, Cơ cở nuôi dạy trẻ mồ côi 45 Nguyễn Văn Bảo Gò Vấp, Làng Hòa Bình II tại Bệnh viện Từ Dũ. Gần đây, cơ sở khác cũng nhận chăm sóc trẻ sơ sinh bị bỏ rơi là Picaso Thủ Đức. Mặc dù nhà nước có chính sách bảo trợ và nuôi dưỡng cho trẻ mồ côi nhưng mức trợ cấp dưỡng còn rất hạn chế đối với cả trẻ và người chăm sóc trẻ. Hiện một trẻ sơ sinh được trợ cấp 210.000 đồng/tháng/trẻ, trẻ lớn 185.000 đồng/tháng/trẻ. Muốn chăm sóc trẻ tốt, các trung tâm bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi vẫn phải dựa chủ yếu vào sự đóng góp của những người có lòng hảo tâm. |
Mỹ Lan