Ko Myung-hee, quản lý tại trung tâm chăm sóc người cao niên cao cấp (52 tuổi, Hàn Quốc) đặt một túi đựng đầy rau tươi hái trong vườn và hai chai nước gạo ngọt lên xe thể thao của mình rồi nổ máy. Cô tất tả mang theo những thứ đó vì không muốn tay không đến thăm những người già đơn côi.
Ở Hàn Quốc, hiện có 740.000 người cao tuổi đang sống một mình. Theo một nghiên cứu của Bộ phúc lợi nước này, con số này tăng thêm trung bình 50.000 mỗi năm. Ở Paju có khoảng 14.000 người cao tuổi phải sống một mình, tuy nhiên, trung tâm cộng đồng cao cấp Paju - nơi Ko làm việc, chỉ có chỗ cho 1.100 người cần nhất.
Hàn Quốc đã bị già hóa dân số. Năm 2017, những người trên 65 tuổi ở nước này chiếm đến 14% dân số, nhưng người trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi) lại giảm tới 116.000 người. Năm 2018, tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc đạt mức thấp nhất mọi thời đại là 357.771 người.
"Các cụ cả ngày quanh quẩn trong nhà và chỉ có một tha thiết là lâu lâu lại được nhìn, thậm chí là nghe thôi, tiếng con cái của họ một lần", Ko nói.
Tuy nhiên, xứ sở Kim Chi không phải là nước duy nhất ở châu Á phải đối mặt với thách thức già hóa dân số. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), vào năm 2060, hơn 30% dân số ở Trung Quốc, Nhật Bản và Nam Triều Tiên sẽ từ 65 tuổi trở lên.
Tại Hong Kong, tình hình có thể còn nghiêm trọng hơn. Chính quyền thành phố dự kiến số người từ 65 tuổi trở lên sẽ đạt 2,58 triệu vào năm 2064, chiếm gần 40% dân số nước này.
Trong xã hội ngày nay, tuổi thọ của con người ngày càng kéo dài, trong khi đó, tỷ lệ kết hôn lại giảm và tỷ lệ ly hôn thì ngày càng tăng. Như vậy, người cao tuổi phải sống một mình sẽ là chuyện đương nhiên xảy ra trong tương lai gần.
Về phần mình, Ko từng sống cùng hai người con trai đang học đại học. Nhưng hai năm nay, cô chuyển đến sống với người mẹ 92 tuổi của mình. "Tôi không muốn gửi mẹ vào viện dưỡng lão. Vì tôi muốn các con noi gương mẹ, biết cách chăm sóc đấng sinh thành. Tôi rồi cũng sẽ già đi, nên mong các con cũng sẽ quan tâm đến mẹ của chúng như cách tôi đang làm với mẹ mình", cô nói.
Sống trong cô đơn, chết trong cô đơn
Người phụ nữ 52 tuổi lái xe đi qua cánh đồng lúa đến thị trấn Papyeong - myeon, nơi chỉ có gần 4.000 người, nằm cách biên giới Bắc Triều Tiên khoảng 20km. "Sẽ phải mất khoảng nửa giờ trên xe buýt những người già ở đây mới có thể đến siêu thị, vì trong thị trấn chỉ có các cửa hàng tiện lợi thôi", Ko chia sẻ.
Bà Lee Doo-nam đã 83 tuổi, không có con cái. Ngôi nhà sắt lạnh lẽo của bà nằm ngay mặt đường. Nhà chẳng có gì ngoài một nhà bếp nằm sát phòng sinh hoạt chật chội, sàn lởm chởm vết nứt, một nhà tắm và một cái kho. Người bạn đồng hành trong suốt quãng đời người phụ nữ này chỉ là một con chó.
"Đôi khi, tôi như phát điên vì cảm thấy trống rỗng trong đêm vắng", bà thốt lên trong âu sầu.
Vì sống một mình nên nhiều người đã chết trong nhà mình mà nhiều ngày, nhiều tuần hoặc thậm chí lâu hơn, không ai biết.
Năm 2018, lính cứu hỏa tìm thấy một cụ già 74 tuổi ở Gwangju (Hàn Quốc) nằm sõng soài trên sàn phòng khách giữa một đống rác. Xem xét thi thể, người lính nhận thấy ông cụ đã chết vài tuần trước đó. Nạn nhân không có con và đã bị loại khỏi danh sách thăm viếng của địa phương sau khi tuyên bố có thể đi bộ mà không cần người hỗ trợ.
Chính quyền tỉnh Paju đã chi ngân sách 2,2 tỷ won để chi phí cho dịch vụ thăm viếng ở địa phương. Với số tiền này, trung tâm của Ko có thể cung cấp cho những người già hơn 300.000 won mỗi tháng, tủ lạnh, hộp khoai tây và quạt.
Ko dành khoảng 30 phút để hỏi thăm sức khỏe của bà Lee và trò chuyện với bà. Sau đó, người phụ nữ 83 tuổi sẽ ra vườn, hái rau diếp và hành lá cho Ko mang về. Mỗi tháng, bà chỉ ra ngoài một lần duy nhất để mua hàng ở cửa hàng tạp hóa. Bà Lee làm rượu gạo và thịt bò hầm để đưa đến trung tâm người cao tuổi ở thị trấn, nằm ngay sau nhà mình.
"Dù có đến trung tâm, tôi cũng lại phải bỏ về vì kiểu gì tôi cũng sẽ cãi nhau với một ai đó", bà lão nói. Dù không nói ra, nhưng có vẻ, bà lão thấy chạnh lòng khi nghe những người già khác kể về con cháu của họ.
Không có ngày mai
Choi Jin-gu 82 tuổi sống cách nhà bà Lee khoảng 15 phút. Trong nhà của ông lão này, những bức tường và trần nhà phủ đầy những mảnh giấy bị xé nham nhở. Những chiếc hộp, quần áo nằm rải rác khắp phòng khách và nhà bếp. Ông mặc một cái áo phông nhăn nheo, nhuộm vàng, bộ râu trắng lòa xòa, có vẻ đã lâu rồi không cắt. Vợ ông Choi chết cách đây đã 30 năm, nên ông sống một mình từ đó đến giờ.
"Tôi chẳng biết lúc nào sẽ chết nên không thể chăm chút cho ngôi nhà của mình hay lập kế hoạch gì cả. Dù tôi biết con gái mình vẫn đang sống ở Seoul nhưng chẳng đứa nào gọi cho tôi cả", ông già não nuột.
Choi làm công nhân từ năm 15 tuổi, sau đó, ông mua đất ở Paju. Nhưng sau đó, để có tiền cho các con ăn học và xây dựng gia đình, ông đã bán mảnh đất đó. "Tôi chẳng muốn nhắc đến chúng nó nữa, vì bây giờ tôi không có tiền. Chúng nó quá bận rộn để lo cho các con đi học đại học", Choi nói.
Nói vậy, nhưng Choi lại cáu kỉnh khi Ko gọi cho ông. Ông lão hy vọng người gọi cho mình là các con và đã tỏ ra khá thất vọng khi nghe giọng của người khác.
Dù không còn liên lạc với các con, nhưng có một thực tế không thể phủ nhận, ông Choi có gia đình. Điều đó có nghĩa ông không đủ điều kiện hưởng thêm bất kỳ lợi ích nào khác ngoài trợ cấp người già của chính phủ.
Ông lão 82 tuổi từng trải qua một số ca phẫu thuật ở chân trái nên khả năng vận động bị giảm và không thể nấu ăn. Một trung tâm cộng đồng địa phương đã tặng những món ăn phụ của Hàn Quốc cho ông, nhưng đa phần, Choi nấu mì ăn liền ăn cho qua bữa.
Trung tâm phòng chống tự tử Hàn Quốc cho hay, năm 2017, tỷ lệ tự tử của người ở độ tuổi 70 là 48,8/100.000 người, độ tuổi 80 là 118,7 người, còn người trong độ tuổi 15-65 tự tử chỉ chiếm 21,3.
Ông Choi từng có con trai tự tử nên không muốn lặp lại hành động này.
"Ngôi nhà từng tràn ngập niềm vui và tiếng cười giờ chỉ còn lại mình tôi và tiếng ca sĩ hát trên ti vi. Tôi chẳng còn tha thiết sống nữa, nhưng tôi không muốn gia đình mình mang tiếng xấu", Choi nói.
Không bao giờ là quá muộn
Không chỉ là nước già hóa dân số nhanh, tỷ lệ người nghèo trong độ tuổi 66-75 ở Hàn Quốc vào năm 2015 so với các quốc gia thuộc OECD chiếm tới 39%, trong khi đó, ở Nhật Bản là 17%.
Tuy nhiên, chi tiêu phúc lợi xã hội ở Hàn Quốc lại xếp thứ 34 trong 35 nước thuộc OECD, chỉ chiếm 10,4% GDP, so với mức trung bình của OECD là 21%.
"Rất dễ để sắp xếp vận mệnh của những người già thông qua những con số được báo cáo trên giấy tờ. Tuy nhiên, hãy quan sát thực tế để thấy rằng, rất nhiều người cần được giúp đỡ vẫn chưa nhận được chút gì", Ko nói.
Trung tâm cộng đồng cao cấp Paju, nơi người phụ nữ này làm việc đang tạo rất nhiều cơ hội việc làm cho người già.
"Tôi kiếm được khoảng 310.000 won mỗi tháng khi làm pha chế tại đây. Ngày trẻ, tôi luôn muốn mở một quán cà phê của riêng mình nhưng không thành. Bây giờ, tôi lại được sống với một phần ước mơ tại trung tâm, nên luôn biết ơn cơ hội muộn màng này đã đến trong đời mình", Lee Suk-ja (70 tuổi) nói.
Bà Lee Ho-sun, giáo sư nghiên cứu phúc lợi tại Đại học Cyber Soongshil Hàn Quốc, đề nghị các bậc cha mẹ nên mạnh dạn từ bỏ những quan niệm cũ của Hàn Quốc, là cho con mọi thứ mình có.
"Tài sản là thứ mà dù về già, chúng ta vẫn phải tiếp tục đầu tư", giáo sư nói.
Bà Lee cho rằng, đất nước đang cố bắt nhịp với phần còn lại của thế giới. Vì vậy thay vì chỉ có viện dưỡng lão hay các trung tâm cộng đồng cao cấp, nên đầu tư xây dựng các phương án hỗ trợ người cao tuổi ngay tại nơi họ sống.
Nhật Minh (Theo SCMP)