Sáng 30/9, TP HCM công bố chỉ thị mới về điều chỉnh các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19 và phục hồi kinh tế - xã hội. Theo đó, người dân không cần giấy đi đường, các chốt kiểm soát nội thành được gỡ bỏ, nhiều ngành nghề kinh doanh, dịch vụ, cửa hàng ăn uống, công trình xây dựng... được hoạt động trở lại.
Chỉ thị mới được đưa ra sau khi thành phố 10 triệu dân trải qua hơn 120 ngày giãn cách với nhiều cập độ khác nhau. Từ đợt dịch thứ tư bùng phát hôm 26/5, đến nay TP HCM đã ghi nhận hơn 380.870 ca nhiễm (gần 50% ca nhiễm cả nước), đang điều trị khoảng 35.000 bệnh nhân; 14.000 người tử vong.
Tối hôm đó, Vi Xuân Hòa, 26 tuổi, ở Phú Nhuận cùng vài người bạn trong xóm trọ "đón giao thừa". Sáng 1/10, anh thức dậy với một cảm giác lạ lẫm. "Tiếng nẹt pô nhói tai khiến mình như được sống lại", Hòa nói.
8h30 sáng, Hoà dắt chiếc xe máy phủ đầy bụi ra khỏi nhà để đi sửa quạt, cắt tóc. Xăng cạn, lốp xẹp lép, anh dắt bộ ra tiệm sửa xe cách nhà chừng 200 m. Là tiệm sửa xe duy nhất gần nhà mở cửa, Hòa thấy 5-6 khách đợi sẵn ngoài cửa cùng với vài xe đã nằm trong xưởng. Xe đến sửa đa phần bị chết bugi, chuột cắt đứt ống dẫn xăng hoặc thủng xăm, hai vợ chồng chủ tiệm làm luôn tay không hết việc.
Bơm căng hai lốp, anh nhanh chóng rời đi, nhường chỗ cho những người phía sau.
Chạy lòng vòng ngoài đường một hồi Hòa nhận ra sửa quạt trở thành vấn đề nan giải vì không có tiệm nào mở. Được chỉ dẫn, anh đến tiệm sửa chữa đồ điện trên đường Lê Văn Sỹ. Nhận quạt, nhưng chủ tiệm đang quá bận nên không thể sửa ngay, hẹn trưa quay lại báo giá sau.
Mới 9h sáng, đường khá vắng. Anh tự thưởng cho bản thân một chuyến du lịch ngắn quanh quận Phú Nhuận. Nhiều tháng không ra ngoài, lái xe có phần gượng gạo, thi thoảng anh lại giật thót bởi tiếng còi ô tô.
Đảo mắt nhìn hai bên đường, hàng quán dần mở lại. Mọi người dọn dẹp, lau kính, có nhà bật nhạc lớn "như mùng 1 Tết". Dừng xe tại quán bún bò quen trên đường Lê Văn Sỹ nhưng nhìn mấy chục shipper đang xếp hàng, anh tặc lưỡi bỏ cuộc, quay xe ra.
"Ngửi thôi chứ xếp hàng bao giờ mới tới lượt", Hoà tự an ủi.
Thử tìm vài quán khác nhưng chưa mở, anh ôm bụng đói đi cắt tóc bởi khó chịu với mái tóc lởm chởm tự cắt trong những ngày giãn cách. Với anh, cắt tóc là để "gột sạch những điều đen đủi trong 'năm cũ' và đón may mắn". Một hành trình đầy gian truân khác bắt đầu.
Tìm đến tiệm cắt tóc có tiếng trên đường Huỳnh Văn Bánh, Hoà đếm có 12 khách ngồi trong nhà, chưa kể gần 10 người đứng xếp hàng bên ngoài. Người đứng, kẻ ngồi, nét mệt mỏi hiện rõ trên từng gương mặt. Ghé qua các tiệm khác, có tiệm từ chối thẳng, chỗ bắt chờ đến một tiếng hoặc yêu cầu phải đặt lịch từ hôm trước. Hơn 10 tiệm cắt tóc trên các đường Phan Đình Phùng, Nguyễn Trọng Tuyển, Trần Huy Liệu... anh hỏi, đều không nhận khách. Hoà bất lực, tiếp tục tìm.
Hòa nhận ra, người đến quán cắt tóc đều là khách quen. Sợ "hỏng tóc" nên dù phải xếp hàng chờ rất lâu họ không muốn đến chỗ mới. Với tiêu chí cắt ngắn cho mát, Hoà tìm đến quán ít khách, giảm thiểu nguy cơ tiếp xúc trong dịch.
Bước vào quán cắt tóc thứ 11 khi đã gần trưa. Chuẩn bị đến lượt mình, chàng trai lại thấy vài người cao tuổi vào xếp hàng. Thấy không phải phép khi bắt người già chờ đợi, anh nhường các cụ cắt tóc trước, rồi lại đi tìm quán khác.
"Mùng 1 Tết, hàng nào cũng đông, mà chẳng thấy ai kiêng cắt tóc", anh hóm hỉnh kể.
Định bỏ về, Hoà phát hiện quán cắt tóc trên đường Nguyễn Kiệm. "Có chờ lâu không chị ơi. Em bị 11 quán từ chối rồi", Hoà cất giọng mệt mỏi. "Chờ một người", chủ quán đáp. Đến khi được ngồi vào ghế, anh mới thở phào nhẹ nhõm.
Hoàn thành việc duy nhất trong kế hoạch, Hòa trở lại quán bún bò và lần thứ hai phải bỏ cuộc vì dòng người xếp hàng vẫn khá dài. Anh trở về nhà với tô bún riêu.
Trái với cảnh mòn mỏi chờ đợi tại quán cắt tóc, đồ ăn, các cửa hàng quần áo không một bóng người. Với những lao động bị giảm 80% lương như Hoà, anh không có nhu cầu sắm thêm.
7h tối, Hoà lại chạy xe đi mua bún bò vì không đặt được qua ứng dụng. "Không đến nỗi nghiện, nhưng đã lâu quá chưa được ăn", anh lý giải. Vẫn hàng dài người chờ đợi như hồi sáng. Cảnh xếp hàng cũng xảy ra với quán trà sữa, trà tắc và đồ ăn nhanh.
Hơn 8h tối về nhà với hộp cơm hải sản trên tay, các tiệm cắt tóc gần nhà vẫn đông người đến. Nhìn hàng dài người chờ đến lượt, chàng trai 26 tuổi thấy may mắn vì đã trải qua được "kiếp nạn".
Quỳnh Nguyễn