Đúng 7h, cuộc bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, được đồng loạt khai mạc trên cả nước. Việc bầu cử sẽ được thực hiện liên tục cho đến 19h cùng ngày.
Tùy tình hình địa phương, Tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu việc bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước 5h, hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá 21h cùng ngày.
Tại Hà Nội, lúc 6h35, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đông đảo cử tri có mặt tại khu vực bỏ phiếu số 4, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Tổng bí thư bày tỏ phấn khởi khi được cùng công dân thủ đô Hà Nội bỏ phiếu bầu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. "Đây là cuộc bầu cử có quy mô lớn nhất từ trước tới nay" với gần 70 triệu lá phiếu cử tri, để bầu ra 500 đại biểu Quốc hội; gần 4.000 đại biểu HĐND cấp tỉnh, thành; hơn 2 vạn đại biểu HĐND cấp huyện; và 24 vạn đại biểu HĐND cấp xã, phường, ông nói.
"Tôi tin tưởng mỗi công dân đã xác định được quyền và nghĩa vụ của mình, sẽ đi bầu đông đủ, sáng suốt lựa chọn những đại biểu xứng đáng; tránh bầu nhầm, bầu lẫn. Qua đó, cuộc bầu cử lần này sẽ thành công tốt đẹp; tạo không khí thật sự là ngày hội của toàn dân", ông chia sẻ.
Tổng bí thư mong muốn tất cả đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ này sẽ "hết lòng vì nước, vì dân". Với ý nghĩa quan trọng của cuộc bầu cử lần này, "đất nước sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới ngày càng tốt đẹp hơn".
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng bỏ phiếu tại khu vực bỏ phiếu số 17, phường Định Công, quận Hoàng Mai. Ông nói công tác tổ chức bầu cử phải kết hợp hài hòa với quy trình phòng dịch, từ việc tổ chức tiếp xúc cử tri bằng hình thức trực tuyến đến xây dựng các kịch bản riêng, tổ chức diễn tập cụ thể cho từng đơn vị, từng khu vực bầu cử phù hợp với tình hình.
Bày tỏ vui mừng khi thấy nhiều cử tri thủ đô đi bầu cử từ sáng sớm, ông Dũng cho rằng đây không chỉ thể hiện vai trò, trách nhiệm công dân mà còn là ý thức phòng, chống Covid-19.
Tại khu vực bỏ phiếu số 9, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, người dân xếp hàng từ 7h. Ông Nguyễn Đức Hải, Phó chủ tịch Quốc hội (cử tri ở điểm bầu cử này), nói: "Ngày bầu cử năm nay diễn ra trong hoàn cảnh nhiều thách thức khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Chúng tôi đã chỉ đạo đến các địa phương phải đảm bảo an toàn chống dịch. Công tác chuẩn bị đã diễn ra đúng kế hoạch".
Theo Phó chủ tịch Quốc hội, các ứng cử viên đều đã phải trải qua nhiều vòng từ hiệp thương đến lấy ý kiến cử tri tại nơi sinh sống, thông tin về năng lực, trình độ của ứng cử viên cũng được đăng công khai nhiều ngày ở điểm bầu cử và phát cho người dân để nghiên cứu, lựa chọn.
Tại TP HCM, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến trụ sở Văn phòng khu phố 7, thị trấn Củ Chi, đi cùng đoàn có Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Văn Nên. Đây là lần đầu tiên Chủ tịch nước ứng cử và bỏ phiếu bầu cử tại huyện Củ Chi và Hóc Môn. Thời gian qua, Chủ tịch nước đã có nhiều cuộc tiếp xúc cử tri ở hai huyện.
Trước khi bỏ phiếu, Chủ tịch nước cùng các lãnh đạo Trung ương và TP HCM dâng hoa, dâng hương và mặc niệm trước Đền tưởng niệm mẹ Việt Nam Anh hùng và liệt sỹ ở khu phố 7, thị trấn Củ Chi.
Cử tri trước khi vào khu vực bầu cử đều được đo thân nhiệt, phải đeo khẩu trang.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa bỏ phiếu tại điểm bầu cử số 11 ở 104 Phổ Quang, quận Tân Bình, TP HCM cùng Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ TP HCM Phan Nguyễn Như Khuê.
Ông Nghĩa cho biết đây là lần đầu tiên tham gia bầu cử tại khu phố sau 42 năm ở trong quân đội. "Tôi tin cả nước sẽ có một kỳ bầu cử thành công tốt đẹp và chọn được những đại biểu xứng đáng", ông Nghĩa nói.
Tại Cần Thơ, lúc 6h25, Thủ tướng Phạm Minh Chính có mặt tại điểm bỏ phiếu số 18 phường Cái Khế, quận Ninh Kiều dự lễ khai mạc và bỏ phiếu tại đây.
Đây là lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ ứng cử đại biểu Quốc hội tại Đồng bằng sông Cửu Long. Hai nhiệm kỳ trước, nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều là đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng.
Sau khi bỏ phiếu bầu, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm hỏi các cử tri, chia sẻ bản thân rất xúc động khi tận mắt chứng kiến sự vui mừng, phấn khởi của cử tri TP Cần Thơ và Đồng bằng sông Cửu Long đi thực hiện quyền, nghĩa vụ công dân, lựa chọn người đại biểu xứng đáng nhất vào các cơ quan quyền lực tại địa phương và Quốc hội khóa XV.
TP Cần Thơ có 943 tổ bầu cử, 951.000 cử tri. Trong đó, địa phương có 3 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội, số lượng đại biểu được bầu là 7 trong số 13 ứng cử viên. Thủ tướng Phạm Minh Chính ứng cử đại biểu Quốc hội tại đơn vị bầu cử số 1, gồm hai quận Ninh Kiều, Cái Răng và huyện Phong Điền.
Tại TP Hải Phòng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các cử tri bỏ phiếu ở khu vực bỏ phiếu số 1, đơn vị bầu cử số 3. "Hôm nay thực sự là ngày hội non sông, chúng tôi thấy không khí khắp nơi rực rỡ cờ hoa. Nhiều lần tôi đã đi bỏ phiếu rồi nhưng đây là lần đầu tiên được bỏ phiếu tại Hải Phòng - thành phố Cảng anh hùng", ông Huệ chia sẻ.
Theo Chủ tịch Quốc hội, trong hoàn cảnh Covid-19 diễn ra mạnh hơn, nguy hiểm hơn, lan rộng nhiều tỉnh thành nên "hồi hộp từng ngày, từng giờ trong quá trình chuẩn bị cho ngày bầu cử hôm nay". Ông đề nghị "người dân đi bỏ phiếu không quên thực hiện nguyên tắc phòng dịch".
Tại Đà Nẵng, sáng 23/5, nhiều tuyến đường chính vắng vẻ do lãnh đạo thành phố vận động người dân hạn chế ra khỏi nhà nếu không cần thiết. Từ những ngày trước, người dân đã được phát thẻ cử tri theo các khung giờ bầu cử cụ thể để hạn chế việc tập trung đông người.
Tại điểm bầu cử số 3 ở phường Thọ Quang, quận Sơn Trà (Tổ bầu cử số 2, số 134 đường Ngô Quyền), các công nhân khu công nghiệp thuỷ sản Thọ Quang và 120 ngư dân đã đi bầu cử sớm. Lực lượng công an, biên phòng chốt bảo vệ, đảm bảo những người không phận sự không được vào khu vực bỏ phiếu. Tất cả cử tri di chuyển theo luồng riêng, được y tế và tình nguyện viên đo thân nhiệt, sát khuẩn tay và làm tờ khai y tế trước khi vào khu vực bỏ phiếu. Người dân cũng liên tiếp được nhắc nhở đứng giữ khoảng cách 2 mét.
Nhiều ngư dân chia sẻ, đã nhắc nhở nhau nghỉ biển sớm để kịp về bờ trong ngày cả nước đi bầu cử; đọc kỹ thông tin các ứng cử viên mình sẽ bầu để lựa chọn đại biểu.
Ngư dân Huỳnh Thị Như Hoa, chủ tàu cá ĐNa 90657TS, cho biết lần này Đà Nẵng có ứng viên ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV tại huyện Hoàng Sa, nên bà con ngư dân rất phấn khởi. "Ngư dân chúng tôi rất hy vọng có người đại diện cho tiếng nói của mình về chủ quyền biển đảo cũng như đời sống ngư dân", chị Hoa nói.
Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, cho biết công tác bầu cử tại địa phương đã được chuẩn bị và lên phương án đảm bảo cho việc bầu cử nói chung và phòng chống dịch nói riêng từ nhiều ngày trước. Chính quyền có video hướng dẫn các tình huống bầu cử, bỏ phiếu, kiểm phiếu từ các khu dân cư đến các điểm đang phong toả, cách ly, bệnh nhân đang điều trị Covid-19 trong bệnh viện...
Trước ngày bầu cử, Đà Nẵng đã xét nghiệm cho hơn 10.000 người là thành viên các tổ bầu cử. Tại các điểm bỏ phiếu đều có phòng cách ly tạm thời để xử lý ngay các trường hợp có biểu hiện ho, sốt hay bất thường về sức khoẻ. "Về cơ bản, Đà Nẵng đủ năng lực thực hiện tốt công tác phòng chống dịch trong ngày bầu cử, tạo sự an tâm cho người dân khi thực hiện quyền công dân của mình", ông Quảng nói.
Tại chung cư Fhome (đường Lý Thường Kiệt, phường Thạch Thang, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đang bị phong toả, 315 cử tri đã đi bầu cử, bắt đầu từ 9h sáng nay. Khu vực niêm yết danh sách ứng viên được đặt ngay trước sảnh chính. Nơi phát phiếu và thùng phiếu bố trí bên ngoài hàng rào cách ly.
Ba nhân viên y tế trong trang phục bảo hộ làm nhiệm vụ phía trong rào chắn. Một người hướng dẫn người dân di chuyển một chiều, một người đo thân nhiệt, khử khuẩn, người còn lại phân luồng. Cử tri xếp hàng giãn cách đi bỏ phiếu.
Chung cư này đang cách ly y tế từ ngày 9/5 do có nhiều ca mắc Covid-19 liên quan chuỗi lây nhiễm thẩm mỹ viện quốc tế AMIDA.
Ông Nguyễn Đức Huấn, Phó chủ tịch UBND phường Thạch Thang, cho biết trước khi bầu cử, Tổ Covid-19 cộng đồng trong khu chung cư đã đi phát thẻ cử tri, thông báo phân chia mỗi tầng một khung giờ bầu cử, nhờ đó không có tình trạng tập trung đông người khi cử tri thực hiện quyền công dân.
Tại khu chung cư 12T3, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, nơi đang phong toả vì có ca mắc Covid-19 là nhân viên vũ trường New Phương Đông, tổ bầu cử mang hòm phiếu đến từng phòng, hướng dẫn người dân khử khuẩn, nhận và bỏ phiếu.
Theo quy định, kết thúc bỏ phiếu tại khu vực cách ly, lực lượng y tế sẽ phun khử trùng lần 2 thùng phiếu và toàn bộ khu vực bầu cử.
Tại Khánh Hoà, ông Lê Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện Trường Sa cho hay tại đảo Trường Sa lớn, thời tiết khá thuận lợi, mát mẻ. Từ sớm, các cử tri quân và dân trên đảo đã có mặt tại Hội trường thị trấn Trường Sa để bầu cử.
Trước lúc khai mạc bỏ phiếu, lúc 7h, quân và dân thực hiện nghi lễ chào cờ, sau đó là màn duyệt đội ngũ của những đơn vị làm nhiệm vụ trên đảo. Điểm bầu cử nơi đây bố trí nước sát khuẩn, cử tri đeo khẩu trang và đứng giãn cách đảm bảo phòng chống Covid-19. Nhân viên trung tâm y tế túc trực hướng dẫn các cử tri phòng chống dịch.
Nhiều ngư dân trên các tàu cá cũng vào đảo để bầu cử. Ngư dân Thiệu Nhật Kiên, quê Ninh Thuận, cho biết chuyến đi biển lần này cùng thời điểm diễn ra bầu cử nên anh và các thuyền viên vào đảo đăng ký bỏ phiếu. Đây là lần đầu tiên anh Kiên bầu cử ở thị trấn Trường Sa.
Hôm qua, Ủy ban Bầu cử huyện Trường Sa đã phối hợp Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân) tiếp nhận hòm phiếu, biên bản bầu cử từ các điểm tổ chức bầu cử sớm cho các lực lượng làm nhiệm vụ trên đảo.
Trước đó, hôm 16/5 có 20 điểm bỏ phiếu tại xã đảo Sinh Tồn, Song Tử Tây và thị trấn Trường Sa (huyện Trường Sa) đã bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, sớm hơn một tuần so với cả nước.
Theo quy định, huyện Trường Sa có 6 đơn vị bầu cử cấp huyện, mỗi đơn vị được bầu năm đại biểu HĐND cấp huyện. Hai xã Song Tử Tây, Sinh Tồn và thị trấn Trường Sa có 9 đơn vị bầu cử, mỗi đơn vị được bầu năm đại biểu HĐND cấp xã.
Sáng nay, gần 1.400 cử tri trên đảo Bình Ba, TP Cam Ranh đã thực hiện bỏ phiếu ở điểm bầu cử tại trường Tiểu học Bình Ba. "Mình hy vọng các đại biểu trong nhiệm kỳ mới quan tâm hơn đời sống của người dân, cũng như tìm cách hỗ trợ bà con nuôi thuỷ sản ở đảo", anh Phạm Đăng Khương, ngư dân trên đảo Bình Ba nói.
Tại các địa phương đang là tâm dịch của cả nước như Bắc Ninh, Bắc Giang, lực lượng chức năng đã mang hòm phiếu đến từng gia đình trong khu vực phong tỏa hoặc mang đến từng phòng trong khu cách ly tập trung để người cách ly thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân.
Tại thôn Chùa, xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang nơi đang bị cách ly xã hội để phòng chống dịch, lực lượng chức năng đã dùng xe đạp, chở hòm phiếu đến từng nhà để cử tri bỏ phiếu. Những người chở hòm phiếu đều mặc đồ bảo hộ. Cử tri ra cổng bỏ phiếu đeo khẩu trang.
Theo Tổng thư ký Quốc hội, Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử Quốc gia Bùi Văn Cường, đến 11h trưa 23/5, nhiều địa phương có tỷ lệ cử tri đi bầu cao, như Điện Biên 85%, Quảng Ninh 84,53%; Quảng Ngãi 81,76%; Cao Bằng 80,3%, Hà Giang có 77,65%, Vĩnh Phúc 71,89%...
Một số địa phương có khu vực bỏ phiếu 100% cử tri đi bầu, như Điện Biên có 13 xã và 296/2.020 tổ bầu cử, Bình Phước có 40/933 tổ bầu cử; Trà Vinh có 66/1.021 tổ bầu cử...
"Đến thời điểm này, việc tổ chức bầu cử đang rất thuận lợi và thành công. Thời tiết tốt, an ninh an toàn ở tất cả các điểm bầu cử, không có vấn đề gì xảy ra", ông Cường nói.
Theo ông, một số khu vực bỏ phiếu đã tổ chức khai mạc bầu cử rất sớm. Ví dụ như toàn bộ 1.021 tổ bầu cử của tỉnh Trà Vinh đã khai mạc sớm, từ 5h đến 5h30; 116 Tổ bầu cử của Gia Lai khai mạc vào lúc 5h30... Hà Nội có hơn 20 cử tri trên 100 tuổi, cử tri cao tuổi nhất là 113 tuổi đã đi bỏ phiếu.
Văn phòng Hội đồng bầu cử Quốc gia đề nghị các địa phương không chạy theo tiến độ thời gian mà mục tiêu là bảo đảm phòng, chống dịch. Việc bầu cử có thể kéo dài đến 21h cùng ngày.
Cả nước có 866 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, để bầu 500 đại biểu Quốc hội khóa XV (tỷ lệ 1,73 người ứng cử để bầu 1 đại biểu).
Trong số đó, 393 ứng cử viên là nữ (45,38%); 185 người dân tộc thiểu số (21,36%); 74 người ngoài Đảng (8,55%); 204 người tái cử (23,56%); 224 người trẻ tuổi - dưới 40 tuổi (25,87%). Số người tự ứng cử là 9 (TP Hà Nội 3, TP Hồ Chí Minh 2, TP Cần Thơ 1 người, Bắc Kạn 1 người, Nam Định 1, Sóc Trăng 1).
Theo thống kê, toàn quốc có gần 69,2 triệu cử tri với trên 84.700 khu vực bỏ phiếu. 16 tỉnh đã tổ chức bầu cử sớm ở nhiều khu vực, với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu gần như tuyệt đối. Đó là Bà Rịa- Vũng Tàu; Bình Định, Cà Mau, Cần Thơ, Đăk Nông, Hải Phòng, Hậu Giang, Khánh Hòa, Kiên Giang, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Đăk Lăk, Kon Tum, Bạc Liêu, Bắc Ninh.