- Thưa ông, tại phiên phúc thẩm 18/6, hai bên nguyên đơn và bị đơn sẽ tranh luận những vấn đề gì?
- 10h sáng 18/6 sẽ diễn ra phiên tranh tụng miệng giữa bị đơn là các công ty sản xuất chất độc da cam của Mỹ và nguyên đơn là các nạn nhân da cam VN. Trước đó, từ tháng 9/2005, sau khi có bản phán quyết của Tòa sơ thẩm Mỹ, hai bên đưa bản kháng án lên Tòa phúc thẩm và chỉ tranh luận với nhau bằng văn bản.
Nạn nhân Võ Thanh Hải (áo vàng) và Nguyễn Mười. Ảnh: H.K. |
Phiên phúc thẩm có có nhiệm vụ xem xét lại những vấn đề mà thẩm phán Tòa sơ thẩm đã phán quyết là đúng hay không đúng. Hai bên sẽ nói tóm tắt tất cả những gì đã chuẩn bị trong suốt mấy năm qua về vụ kiện, trình bày tất cả lý lẽ của mình.
Đây chỉ là phiên tiền xét xử, có nghĩa tòa chưa đi vào nội dung, mà chỉ xem xét vấn đề pháp lý là có thể đưa vụ kiện ra hay không. Cụ thể, tòa sẽ xét 5 vấn đề. Một là còn thời hiệu khởi kiện hay không. Hai là các nạn nhân chất độc da cam VN và Vava có tư cách đi kiện tại Tòa án Mỹ không. Ba là tòa án có quyền đưa ra xem xét một việc mà Quốc hội và Tổng thống Mỹ đã quyết định hay không. Bốn là các công ty sản xuất chất da cam có phải là bị đơn của phiên tòa hay không. Cuối cùng là chất da cam có phải là chất độc.
- Phán quyết của phiên tòa sơ thẩm tháng 2/2005 về 5 vấn đề trên như thế nào?
- Tòa sơ thẩm đã phán quyết có lợi cho các nạn nhân chất độc da cam VN về 4 vấn đề. Thứ nhất, tòa khẳng định thời hiệu vụ kiện vẫn còn, các nạn nhân được quyền tiếp tục vụ kiện cho đến khi thắng lợi. Thứ hai, các nạn nhân VN và Vava có đủ tư cách để thay mặt toàn thể nạn nhân chất độc da cam VN đi kiện tại Tòa án Mỹ.
Thứ ba, vấn đề đặt ra là Chính phủ Mỹ và Quốc hội Mỹ ra tuyên bố cho rải chất độc da cam ở VN thì như thế tòa án có quyền can thiệp vào cơ quan hành pháp không? Tòa tuyên bố đây là vụ kiện giữa các nạn nhân chất độc da cam VN với các công ty hóa chất Mỹ. Vụ kiện mang tính dân sự, không liên quan đến Chính phủ Mỹ. Thứ tư, bị đơn nói rằng bồi thường chiến tranh là vấn đề thuộc quốc gia, nguyên đơn không có quyền. Tòa đã bác bỏ lập luận này và khẳng định đây không phải là vấn đề bồi thường quốc gia, mà là vụ kiện dân sự.
Ông Trần Xuân Thu, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Vava cho biết, đoàn nạn nhân chất độc da cam/dioxin VN tham dự phiên tranh tụng gồm 6 người. Ông Thu là trưởng đoàn và có 4 nạn nhân gồm: Nguyễn Thị Hồng (Đồng Nai), Nguyễn Mười (Huế), Võ Thanh Hải (Huế), Nguyễn Văn Quý (Hải Phòng). Từ ngày 9/6 đến 29/6, đoàn sẽ tới 5 thành phố lớn của Mỹ để tổ chức mít tinh, trao đổi giữa các nạn nhân và công chúng Mỹ, họp báo, tổ chức chiếu phim về nạn nhân chất độc da cam. Dự kiến, đoàn sẽ gặp một số nhà khoa học Mỹ. |
Riêng vấn đề thứ năm (chất da cam có phải là chất độc hay không), thì Tòa sơ thẩm đã tuyên bố chất da cam tuy có chứa chất độc dioxin, nhưng dioxin chỉ chiếm 10 phần triệu nên đặc trưng vẫn là chất da cam. Họ lập luận chất da cam không phải là chất độc nên không có cái gọi là chiến tranh hóa học ở VN. Nếu không có chiến tranh hóa học thì cũng không vi phạm luật pháp quốc tế. Từ đó các nguyên đơn VN không có cơ sở pháp lý để tiến hành vụ kiện tại Mỹ. Nhưng khi tuyên bố như vậy, ngay chánh án tòa sơ thẩm cũng không chắc rằng lý lẽ này là đúng.
- Vậy VN đã tìm ra bằng chứng gì để cho thấy chất da cam là chất độc hại?
Nạn nhân Nguyễn Thị Hồng và Nguyễn Văn Quý. Ảnh: H.K. |
- Có nhiều bằng chứng. Thứ nhất, chất da cam (còn gọi là chất diệt cỏ, chất khai hoang) chỉ là cái tên và trong quá trình chế biến, các công ty Mỹ đã không tuân thủ đúng quy trình sản xuất. Ví dụ nhiệt độ phải dưới 90 độ và thời gian phải 13 tiếng thì sẽ không phát sinh dioxin. Nhưng vì muốn có nhiều chất da cam, các công ty đã rút xuống chỉ còn 3 phút một mẻ và nhiệt độ trên 100 độ C. Vì thế chất da cam bản thân là chất diệt cỏ, chất khai hoang, nhưng với quy trình chế biến bị rút gọn nên đã biến sang chất khác.
Thứ hai, hóa chất da cam không tuân thủ quy định của luật dân sự Mỹ là hàng phải có mẫu mã, thành phần cấu thành, phải nói rõ tất cả quy tắc để bảo vệ người tiêu dùng. Nhưng các công ty Mỹ đưa chất da cam sang sang VN chỉ là những thùng sơn màu vàng, tím, xanh, trắng, mục đích là để cho người lính phân biệt khu vực rải hóa học.
Thứ ba, những công ty Mỹ biết rằng trong quá trình sản xuất chất da cam đã gây ra tai nạn, nhưng họ vẫn cho mang sang VN. Bên nguyên đơn đã tìm được những hồ sơ chứng minh điều đó.
Nói tóm lại, lập luận của VN là chất khai hoang không còn là chất khai hoang nữa. Chính các cơ quan khoa học của Mỹ đã thừa nhận từ năm 1960 rằng dioxin là chất đặc biệt nguy hiểm. Hậu quả của chất này là gây ra các bệnh ung thư gan, chết người.
- Ông đánh giá thế nào về khả năng chiến thắng trong vụ kiện này?
- Về phía bị đơn, họ đều là những công ty có tiềm lực tài chính. Với 40 phút tại phiên tòa tới, họ sẽ có 2 phát biểu của Bộ Tư pháp và Tổ chức phòng thương mại của Mỹ đứng ra bảo vệ cho bị đơn. Về phía các nạn nhân chất độc da cam VN, ngoài luật sư đại diện phát biểu, sẽ có Trung tâm các quyền hiến định (Mỹ) và Tổ chức cựu chiến binh Mỹ vì hòa bình, phát biểu ủng hộ các nạn nhân da cam VN.
Đứng về phương diện tương quan lực lượng và cơ sở pháp lý, chúng ta rất lạc quan, bởi có đầy đủ cơ sở pháp lý và đạo lý, cả ở trong nước và quốc tế để tiến hành vụ kiện. Chúng ta tin tưởng vào thắng lợi. Nhưng đây là vụ kiện được xét xử tại Mỹ, do quán tòa Mỹ, theo luật pháp Mỹ nên không dễ gì giành được bản phán quyết thắng lợi. Cuộc đấu tranh này sẽ vô cùng phức tạp và dai dẳng.
- Nếu tòa phúc thẩm không chấp nhận các chứng cứ, lập luận của VN thì vụ kiện sẽ được diễn tiến thế nào?
- Nếu tòa thấy có đủ cơ sở pháp lý để tiếp tục vụ kiện thì phiên tòa sẽ bước sang giai đoạn hai là xét xử vụ kiện về mặt thực chất, lúc đó VN sẽ phải trình bày có bao nhiêu nạn nhân chất độc da cam, thiệt hại bao nhiêu, đòi các công ty đền bù bao nhiêu. Nếu phiên tòa phúc thẩm sắp tới vẫn chấp nhận phán quyết của tòa sở thẩm, hủy bỏ đơn kiện của VN thì lúc đó chuyển sang giai đoạn ba, tức là bên nguyên đơn và bị đơn sẽ đưa vụ án lên Tòa án tối cao.
Sau ngày 18/6 này, Tòa phúc thẩm không trực tiếp ra bản án ngay, mà theo luật có thể 1-2 năm sau khi nghiên cứu, xem xét vấn đề thì mới công bố bản án. Vì vậy, không phải là cuối năm 2009 này sẽ có phán quyết rõ ràng. Cuộc đấu tranh của chúng ta vì thế còn kéo dài.
Hồng Khánh thực hiện