Thứ hai, 23/12/2024
Thứ hai, 23/12/2024, 16:11 (GMT+7)

Ngập lụt khắp thế giới năm 2024

Nhiều thành phố, làng mạc trên thế giới hứng chịu lũ lụt trong năm qua, khi các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra ngày càng thường xuyên hơn.

Hãng thông tấn Reuters gọi 2024 là năm "thế giới chìm trong nước", cho biết họ đã ghi nhận lũ lụt tại hơn 45 quốc gia trong năm qua.

Một trong những cảnh tượng ngập lụt gây bất ngờ nhất là tại Dubai, thành phố có khí hậu khô nóng, ít mưa thuộc Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) hồi tháng 4. Thành phố hứng trận mưa lớn nhất trong vòng 75 năm, do ảnh hưởng của cơn bão lớn di chuyển qua bán đảo Arab và vịnh Oman.

Dubai nổi tiếng là thành phố giàu có nhưng hạ tầng đô thị không được xây dựng để đối phó với những trận mưa có quy mô lớn như vậy. Nước mưa không kịp ngấm xuống đất và thoát đi, nhanh chóng dâng lên làm ngập lụt nhiều khu vực.

Con phố bị mưa lũ tàn phá ở Mucum, bang Rio Grande do Sul, Brazil, ngày 11/5.

Ngập lụt đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng trong năm nay, hàng triệu người mất nhà cửa, thiệt hại hàng trăm tỷ USD. Nhiều chiếc ôtô bẹp dúm, hàng hóa hỏng vì thấm nước, đồ đạc ngập bùn đất, bị vứt đi vĩnh viễn.

Ông Saiful Islam rơi nước mắt khi gặp lại con gái Sadia Akter sau 4 ngày chật vật vì trận lũ lớn tàn phá khu vực Lalpol ở Feni, Bangladesh, ngày 25/8.

Hầu hết báo cáo phân tích mà các nhà khoa học Nhóm World Weather Attribution thực hiện năm 2024 cho thấy biến đổi khí hậu khiến mưa lớn hơn hoặc khả năng xảy ra mưa cực đoan cao hơn.

Người chạy lũ buộc người vào dây thừng, leo lên bức tường ở South Tokar, bang Biển Đỏ, Sudan, ngày 28/8.

Từ lâu, các nhà khoa học đã dự đoán nhiệt độ toàn cầu tăng sẽ khiến mưa nhiều hơn bởi khí quyển ấm hơn chứa nhiều hơi nước hơn.

Năm nay sẽ là năm nóng nhất trong 125.000 năm qua và là năm đầu tiên nhiệt độ trung bình của Trái Đất vượt quá 1,5 độ C so với thời con người bắt đầu đốt than, dầu khí để phát triển kinh tế.

Nhà cửa ngập trong nước lũ vì sông Danube dâng cao tràn bờ ở làng Ersekcsanad, Hungary, ngày 2/9.

Lượng khí thải CO2 toàn cầu lên mức cao chưa từng có vào năm 2024 sẽ gây tác động đến thời tiết trên hành tinh trong nhiều thập kỷ tới. Biến đổi khí hậu cũng khiến mực nước biển dâng cao, tăng khả năng xảy ra ngập lụt ven biển đi kèm hậu quả nghiêm trọng.

Theo các nhà khoa học, thiệt hại về tính mạng và tài sản do ngập lụt gây ra phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có lượng xi măng trong môi trường, địa hình hoặc độ bão hòa của mặt đất cũng như thời gian cảnh báo người dân trước thảm họa.

Thành phố Thái Nguyên, Việt Nam, chìm trong nước lũ ngày 10/9 do bão Yagi. Ảnh: Đại Phong

Bão Yagi đã đổ bộ vào Quảng Ninh ngày 7/9, sau đó gây mưa lũ toàn miền Bắc làm 320 người chết, 25 người mất tích, ảnh hưởng đến 3,6 triệu người và hơn 322.000 ngôi nhà bị hư hỏng. Thiệt hại kinh tế hơn 88.700 tỷ đồng, bằng 0,62% GDP năm 2023 và làm giảm khoảng 0,24% GDP năm 2024.

Người dân tại Taungoo thuộc vùng Bago, Myanmar chờ sơ tán khỏi khu vực bị ngập ngày 12/9.

Myanmar cũng chịu thiệt hại nặng bởi bão Yagi, hơn 400 người thiệt mạng do lũ lụt, sạt lở đất.

Lực lượng cứu nạn bế một phụ nữ lớn tuổi đi sơ tán ở Ostrava, Cộng hòa Czech, ngày 16/9.

Trẻ em chơi đùa trên con phố ngập nước sau trận bão Man-yi ở Cabanatuan, Nueva Ecija, Philippines, ngày 18/9.

Lực lượng an ninh Nepal dùng xuồng bơm hơi sơ tán người dân ở khu vực ngập lụt gần sông Bagmati, Khathmandu, ngày 28/9.

Người phụ nữ có tên Sabra English dọn dẹp nhà cửa của bố, nơi ngập đầy bùn đất và đồ đạc hỏng nặng sau bão Helene ở Barnardsville, Bắc Carolina, ngày 2/10.

Bão Helene đổ bộ vào đông nam Mỹ cuối tháng 9 đã khiến hơn 200 người chết, thiệt hại ước tính 124 tỷ USD.

Ôtô ngổn ngang sau lũ ở vùng Valencia, Tây Ban Nha.

Trận lũ quét do mưa lớn ngày 29/10 ở Valencia là đợt thiên tai nghiêm trọng nhất xảy ra ở Tây Ban Nha trong vòng hàng chục năm, khiến hơn 200 người chết, phá hủy hàng loạt hạ tầng.

Trận mưa xảy ra do hiện tượng gota fria, khi không khí lạnh di chuyển qua vùng nước ấm ở biển Địa Trung Hải, hình thành mây vũ tích chỉ trong vài giờ và trút mưa xuống các vùng phía đông Tây Ban Nha.

Cây cầu đứt gãy sau trận lũ do bão Bora ở Faliraki, đảo Rhodes, Hy Lạp, ngày 2/12.

Hồng Hạnh (Theo Reuters)