Trong rất nhiều năm, trước dòng khách và ngoại tệ hấp dẫn ấy, các nhà quản lý lại vò đầu tự hỏi, rằng mình có thể cung cấp gì để các vị khách chọn Việt Nam làm điểm đến?
Tôi thì nói rằng, chúng ta có thể cung cấp cho họ chất lượng điều trị y tế hàng đầu. Đã nhiều lần, chúng tôi làm được việc đó. Nhưng chúng vẫn chỉ là những nỗ lực nhỏ, mang tính tình huống.
Một trong những bệnh nhân tôi nhớ nhất, là bà Đỗ Thị Lợi, một Việt kiều 78 tuổi có hai con trai đang sống ở Pháp. Một lần đi chơi với con, bà Lợi không may trượt chân ngã, bị xẹp thân đốt sống. Bà đau đến mức nằm ngồi không yên. Suốt mấy tháng trời, hai người con đi tìm mọi cách để chữa trị cho mẹ, nhưng các bác sĩ Pháp đã lắc đầu, họ chỉ dám cho bà uống thuốc giảm đau, vì bà đã quá già.
Bất lực, bà Lợi đành quay trở về Việt Nam, trở về với nỗi lo lắng, cùng khả năng cơn đau sẽ kéo dài vĩnh viễn. Nhưng không vì thế mà bà từ bỏ mơ ước chữa khỏi bệnh.
Một ngày kia, hai con của bà nghe họ hàng mách bệnh viện chúng tôi có thể chữa khỏi bệnh cho mẹ. Dù không tin, họ vẫn quyết định đến tìm hiểu. Sau một vòng tham quan bệnh viện, nhìn những trang thiết bị mới được đầu tư, chứng kiến những bệnh nhân chúng tôi điều trị, con bà Lợi đã thực sự yên tâm.
Sau một buổi làm thủ tục nhập viện và xét nghiệm, bà Lợi được các đồng nghiệp của tôi tạo hình lại thân đốt sống bị xẹp bằng cách nắn chỉnh tư thế, rồi bơm xi măng sinh học vào để hàn gắn những mảnh xương gãy. Đây là một kĩ thuật khó, ngay ở nước Pháp cũng không mấy bác sĩ làm được, nhất là những bệnh nhân già như bà Lợi thì họ càng không dám làm vì sợ biến chứng, trong khi mỗi năm chúng tôi điều trị thành công cho hàng trăm ca bệnh mà chưa xảy ra tai biến gì.
Đúng 15 phút sau khi thực hiện thủ thuật, bà Lợi hết đau hoàn toàn. Ngay buổi chiều hôm ấy, bà thoải mái đi lại, đi với cảm giác như chưa bao giờ bị bệnh. Điều kỳ diệu ấy không chỉ làm cho bà Lợi bất ngờ, mà 2 con trai của bà cũng thay đổi hẳn suy nghĩ về các bác sĩ của Việt Nam.
Câu chuyện thành công của bà Đỗ Thị Lợi đã làm cho tôi suy nghĩ rất nhiều. Điều tôi trăn trở chính là “con đường phục hồi” cho những bệnh nhân người nước ngoài, một loại hình dịch vụ mang tên “du lịch y tế” đang ngày càng phát triển trên khắp thế giới.
Tôi hoàn toàn không có ý định so sánh trực tiếp các nền y học. Việc đó khá vô nghĩa. Tôi chỉ muốn nhìn vào nội tại nền y tế Việt Nam, và thấy rằng, chúng ta cũng có những sản phẩm tốt đẹp xứng đáng cung cấp cho bệnh nhân trên toàn cầu.
Trong nhiều năm trước đây, Mỹ đã đón nhận số lượng lớn khách “du lịch y tế”. Họ đến để tham quan, kết hợp với chữa bệnh bằng những kỹ thuật không có ở quê nhà. Nhưng hiện tại, đang có một luồng khách du lịch theo hướng ngược lại. Người Mỹ giàu có đã đi ra nước ngoài để chữa các bệnh có giá đắt hơn hoặc không có ở nước Mỹ. Để giảm bớt chi phí, hiện nay đang có dòng người di chuyển theo hướng từ nước giàu sang nước nghèo hơn để tiếp cận các dịch vụ y tế.
Nhìn sang những quốc gia rất gần gũi với chúng ta, tôi giật mình khi thấy từ mấy năm trước họ đã biết chớp thời cơ và nhanh chóng thành công. Những quốc gia có thể kể đến như Singapore, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Philippines và Myanmar.
Về trang thiết bị máy móc, chúng ta không hề thua kém. Về trình độ chuyên môn của các bác sĩ, tôi không thấy có sự khác biệt. Chúng ta đang có những chuyên gia xuất sắc, chúng ta cũng làm được những điều kỳ diệu, có rất nhiều mặt bệnh mà chúng ta đáng tự hào. Chúng ta có thể thu về nhiều ngoại tệ, thậm chí tiền tỷ nếu xét đến tổng thể ngành du lịch.
Vậy tại sao chúng ta lại thua kém cả Myanmar trong lĩnh vực “du lịch y tế”? Tại sao, mỗi năm, có hàng tỷ USD từ Việt Nam chảy máu sang các quốc gia khác để chi cho chữa bệnh, đến những nơi mà chính bệnh nhân cũng không tin rằng trình độ lâm sàng của bác sĩ hơn Việt Nam?
Mỗi bệnh nhân đã trải nghiệm hệ thống y tế Việt Nam đều sẽ có câu trả lời của riêng mình.
Tôi chỉ là một bác sĩ, không phải nhà chiến lược, điều khiển ngân sách và chính sách. Nhưng tôi cho rằng, vấn đề mấu chốt ở đây là chúng ta chưa đủ tự tin để có một cuộc quy hoạch. Muốn có được ghi danh trên “bản đồ” quốc tế, chúng ta phải có đủ sự tự tin để tạo nên sức mạnh, sức mạnh ấy phải chuyển thành quyết tâm mang tính chính trị, từ đó xây dựng một hệ thống dịch vụ y tế đảm bảo chất lượng chuẩn, được các tổ chức y tế có uy tín trên thế giới công nhận.
Và tất nhiên, nếu được khuyến khích trở thành một phần năng động của thị trường toàn cầu, thì các cơ sở y tế sẽ không chỉ kiếm ngoại tệ, mà còn trải qua một cuộc chạy đua tổng thể để phục vụ tốt hơn bệnh nhân trong nước.
Đôi khi, vấn đề không phải là năng lực nội tại, mà là một quyết tâm. Thứ quyết tâm đã tạo nên cáp treo, resort, sân golf và rất nhiều hạ tầng du lịch đắt tiền khác.
Trần Văn Phúc