Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhận định nỗ lực kiểm soát đợt dịch thứ ba và các hiệp định thương mại tự do được thực thi giúp ngành thép chịu tác động không quá tiêu cực trong tháng đầu năm nay.
Sản lượng sản xuất giai đoạn này đạt 2,65 triệu tấn, tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Hơn 2,11 triệu tấn thép các loại được bán ra thị trường, giảm gần 13% so với tháng cuối năm 2020 nhưng tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng xuất khẩu đạt hơn 457.000 tấn và tăng 6%.
Tập đoàn Hoa Sen dẫn đầu thị phần ống thép với 22,75% khi tiêu thụ gần 40.360 tấn, gần bằng tổng sản lượng của các doanh nghiệp không nằm trong top 5 cộng lại. Chỉ kém khoảng 350 tấn, Tập đoàn Hoà Phát xếp thứ hai với thị phần 22,56%. Những doanh nghiệp còn lại trong danh sách này là Nam Kim 10,85%, Minh Ngọc 8,49% và TVP 8,21%.
Hoa Sen cũng đứng đầu thị phần tiêu thụ tôn mạ kim loại và sơn phủ màu với 37,5%, sau đó là Tôn Đông Á, Nam Kim và Hoà Phát. Ban lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết sản lượng xuất khẩu tôn mạ mới đây lập thêm kỷ lục vượt 121.000 tấn, mang về doanh thu trên 100 triệu USD một tháng.
Trong mảng thép xây dựng, Hoà Phát dẫn đầu thị phần 27,8% khi sản xuất hơn 308.000 tấn và tiêu thụ trên 186.000 tấn. Sản lượng bán hàng giảm mạnh so với tháng cuối năm, nhưng vẫn duy trì tăng trưởng dương 6% so với cùng kỳ. Công ty xếp đầu về sản lượng bán hàng tại khu vực miền Bắc, miền Nam và xuất khẩu, trong khi Formosa Hà Tĩnh dẫn đầu tại miền Trung.
Theo nhóm phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), ngành thép đang bước vào chuỗi biến động nội tại lớn. Nhu cầu xây dựng giảm nhưng một số doanh nghiệp vẫn tăng trưởng nhờ tìm thị trường mới hoặc giành thị phần từ những đối thủ yếu hơn.
Cuộc chơi trong mảng thép phẳng sẽ thay đổi đáng kể khi các nhà máy trong nước cải thiện năng lực sản xuất, đáp ứng phần lớn nhu cầu thép cán nóng nội địa. Điều này dẫn đến cơ hội cho thép Việt Nam xuất khẩu tăng lên khi có nguồn gốc xuất xứ không phải Trung Quốc.
Với mảng thép dài, thị phần của các công ty sử dụng lò cao sẽ liên tục cải thiện do biên lợi nhuận ít phụ thuộc vào diễn biến giá nguyên liệu và lợi thế về quy mô.
Tuy nhiên, chuyên gia VDSC cho rằng rủi ro ngành thép có thể đối mặt trong ngắn hạn là tốc độ giải ngân của các dự án đầu tư công và bất động sản gặp tắc nghẽn do dịch bệnh. Bên cạnh đó, biến động về giá nguyên vật liệu và sự đình trệ trong quá trình trao đổi hàng hoá nhập khẩu cũng tiềm tàng nguy cơ đe doạ kế hoạch tăng trưởng của doanh nghiệp ngành thép.
Phương Đông