Từ đầu năm đến nay, Covid-19 làm đứt gãy các chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu cũng như dòng vốn đầu tư kinh doanh. Đại dịch làm suy giảm tăng trưởng kinh tế thế giới thậm chí được cho là tác động lớn hơn cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.
Theo báo cáo công bố ngày 13/10, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF, GDP thế giới sẽ giảm khoảng 4,4%. Các nền kinh tế lớn trên thế giới đều tăng trưởng chậm lại, Mỹ có thể giảm 4,3%, EU giảm 8,3%, Anh giảm 9,8% và Nhật Bản giảm 5,3%. Trong khi đó, Trung Quốc có thể tăng trưởng 1,9%, Việt Nam sẽ tăng 1,6% trong năm nay.
Theo báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam của Ngân hàng Thế giới, 9 tháng năm nay, nền kinh tế tăng trưởng 2,1%, thấp hơn 3 lần mức tăng 7% trong cùng kỳ năm 2019. Giới chuyên gia nhận định tiêu dùng nội địa giảm sút và nhu cầu toàn cầu suy yếu do Covid-19 đã ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam nhiều hơn dự kiến.
Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp quy mô nhỏ là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong thời gian thị trường đóng băng bởi những biện pháp cách ly nghiêm ngặt, không có dòng tiền luân chuyển, đẩy họ đến phá sản.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu trong các lĩnh vực may mặc, đồ gỗ, giày da... cũng đối mặt với làn sóng cắt hợp đồng lao động hàng loạt do đơn hàng sụt giảm mạnh. Những doanh nghiệp lớn cũng không tránh được những tác động. Một số ngành nghề như du lịch, nghỉ dưỡng gặp khó khăn trong việc duy trì chi phí thường xuyên như trả lương nhân viên...
Đối mặt với những thách thức này, ngành tài chính - ngân hàng có thể làm gì để hỗ trợ các doanh nghiệp, góp phần phục hồi, phát triển nền kinh tế? Đâu là những biện pháp ngắn hạn và dài hạn trong tương lai? Các doanh nghiệp cần làm gì để thu hút và đón dòng vốn FDI dịch chuyển trong bối cảnh này? Đây sẽ là những nội dung được các chuyên gia thảo luận trong tọa đàm "Giải pháp cho doanh nghiệp và nền kinh tế hậu covid-19 từ ngành tài chính - ngân hàng" phát sóng sáng 11/11 trên VnExpress.
Tham gia tọa đàm, GS TS Nguyễn Đức Khương, Phó giám đốc Nghiên cứu trường kinh doanh IPAG (Paris), TS Lê Võ Phương Nga, Giám đốc Quản lý Rủi ro tài chính, Ngân hàng Đầu tư và Tín dụng Nông nghiệp Pháp (Credit Agricole CIB) sẽ chia sẻ góc nhìn vĩ mô từ ngành tài chính - ngân hàng trên thế giới cũng như Việt Nam.
GS TS Nguyễn Đức Khương từng giảng dạy tại Trường Quản trị kinh doanh Lyon, Viện Quản trị doanh nghiệp Grenoble, giảng viên chính thức tại Học viện Thương mại Paris. Ông cũng tham gia nghiên cứu, giảng dạy tại Đại học Paris 1 Panthéon-Sorbonne và nhiều trường đại học ở Việt Nam. Lĩnh vực nghiên cứu chính của ông là thị trường tài chính mới nổi, tài chính năng lượng, mô hình biến động và quản lý rủi ro ở các thị trường vốn quốc tế.
TS Lê Võ Phương Nga là Giám đốc Quản lý Rủi ro tài chính, Ngân hàng Đầu tư và Tín dụng Nông nghiệp Pháp, ngân hàng hàng hàng đầu của Pháp với gần 700.000 người có mặt trên hơn 70 quốc gia.
TS Nga cũng tham gia giảng dạy trong lĩnh vực tài chính ngân hàng tại một số trường đại học Pháp. Bà có hơn 16 năm kinh nghiệm trong việc xây dựng và quản lý thành công đội ngũ cán bộ tài chính ngân hàng.
Đại diện khối ngân hàng - tài chính trong nước là bà Nguyễn Thùy Ninh - Phó giám đốc Ban khách hàng doanh nghiệp lớn phía Bắc của Vietcombank.
Trong đại dịch Covid-19, ngân hàng này đã thực hiện hai đợt hỗ trợ các doanh nghiệp và cá nhân chịu ảnh hưởng bởi Covid 19, với quy mô dư nợ được hạ lãi suất lên tới 650.000 tỷ đồng, tổng mức chia sẻ lợi nhuận dự kiến là 2.240 tỷ đồng. Những giải pháp hỗ trợ tài chính giúp doanh nghiệp trong nước phục hồi hậu Covid-19 sẽ được vị chuyên gia này đề cập trong tòa đàm phát sóng ngày 11/11.
Hoài Phong