6 tháng đầu năm, giá nguyên liệu sữa ở châu Âu đã 2 lần lập đỉnh mới lên 5.100 euro một tấn và khu vực Nam Mỹ là 4.300 USD một tấn. So với cùng kỳ năm ngoái, năm nay Việt Nam đẩy mạnh nhập khẩu sữa nguyên liệu từ Mỹ. New Zealand - nguồn nhập khẩu chính trước đây - giảm do sản lượng ít hơn vì ảnh hưởng của Covid-19 khiến nước này thiếu lao động. Điều này, càng khiến giá nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp trong nước tăng cao.
Trước sức ép của giá nguyên liệu đầu vào, nhiều mặt hàng sữa trong nước đã thay đổi giá mới. Khảo sát của VnExpress cho thấy, sữa chua, sữa nước, sữa bột nội địa và nhập khẩu đều tăng 5-10% trong 6 tháng đầu năm.
Chị Hạnh ở quận 3 (TP HCM), cho biết khá "sốc" khi giá nhiều mặt hàng sữa nhập khẩu tăng cao. Đặc biệt, nhóm hàng xách tay tăng khá mạnh. "Dòng sữa organic của Australia có tuần tăng tới 10%, thậm chí nhiều lúc không có hàng", chị Hạnh nói.
Tương tự, chị Minh Anh ở quận 5 cho biết không chỉ sữa bột mà sữa nước cũng tăng giá. Nếu năm ngoái một thùng sữa nước của TH True Milk có giá 345.000 thùng 48 hộp 180ml thì nay lên 380.000 đồng một thùng.
Báo cáo của Hiệp hội Sữa Việt Nam cho thấy, các doanh nghiệp sữa đã tăng thêm 5% giá bán ra trong nửa đầu năm, do nguyên liệu đầu vào, chi phí sản xuất tăng cao. Bước sang quý II, giá nguyên liệu sữa đã thiết lập đỉnh mới.
Thống kê mới nhất của Rabobank tại hội nghị sữa toàn cầu 2022 ở Pháp gần đây cho thấy giá sữa nguyên kem bình quân tại châu Âu quý II đạt 5.100 euro một tấn, tăng gần 14% so với quý I. Dự báo giá sữa nguyên kem ở các khu vực châu Âu sẽ đi ngang ở đỉnh, còn châu Đại Dương và khu vực Nam Mỹ tiếp tục tăng trong quý III thêm 10%. Đây cũng là mức giá đạt đỉnh mới và tăng nhanh nhất trong nhiều thập kỷ của ngành sữa. So với cùng kỳ năm ngoái, giá sữa trong quý II đã tăng 59% so với cùng kỳ.
Tại Mỹ, giá sữa bán buôn đã tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá bán lẻ sữa tươi nguyên kem tăng 15%.
Bà Mary Ledman, nhà chiến lược sữa toàn cầu tại Rabobank, cho rằng Covid-19 đã làm tăng giá của nhiều loại hàng hóa khi việc khóa chặt các chuỗi cung ứng toàn cầu bị bóp méo. Điều này ảnh hưởng đến sản lượng sữa, khi nông dân phải bỏ thêm các chi phí đắt đỏ để xử lý phân bón và thức ăn chăn nuôi. Đặc biệt, cuộc xâm lược Ukraine khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Nga và đồng minh Belarus là những nhà xuất khẩu phân bón lớn trên thế giới đang bị áp lệnh trừng phạt khiến nguồn cung ngày càng eo hẹp đẩy chi phí chăn nuôi tăng cao. Trong ngắn hạn, Rabobank cho rằng, có rất ít kỳ vọng rằng áp lực lạm phát giảm bớt hoặc sản lượng sữa tăng trưởng cho đến cuối năm 2022.
Tại Việt Nam, hầu hết doanh nghiệp sữa đều đang "căng mình" chịu sức ép từ giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, cộng với lạm phát khiến sức tiêu thụ giảm.
Là ông lớn đầu ngành sữa, Vinamilk cho biết, 6 tháng đầu năm giá sữa nguyên liệu tăng 60-70%, thậm chí có nhóm tăng 100%. Cùng với đó, thức ăn chăn nuôi giá cước vận chuyển tăng phi mã đã góp phần đẩy chi phí sản xuất lên cao.
Tương tự, tại TH True Milk, Nutifood, VPMilk cũng không nằm ngoài bối cảnh trên. Do đó, hầu hết hãng sữa đều đã điều chỉnh giá bán ra trên thị trường.
Nhưng theo các chuyên gia, tỷ lệ này tăng giá này khá thấp so với nguyên liệu đầu vào. Do đó, lợi nhuận ngành sữa năm nay được các công ty chứng khoán nhận định là thấp hơn so với các năm trước đó.
Kế hoạch kinh doanh của một số công ty sữa cũng cho thấy điều đó. Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đặt mục tiêu doanh thu 64.070 tỷ đồng, tăng 5% và lợi nhuận trước thuế 12.000 tỷ đồng, giảm 7% so với năm 2021. Còn Công ty cổ phần Sữa Quốc tế (IDP) dù đặt doanh thu tăng 14%, lên 5.500 tỷ đồng, song lợi nhuận sau thuế lại giảm 45%, về 452 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam, đánh giá dù các doanh nghiệp đã chuẩn bị kỹ phương án như mua hàng tích trữ dài hạn hay chọn đối tác cung ứng giá tốt nhưng quý III, giá sữa tiếp tục dự báo leo thang sẽ tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp. Hiện, 60% nguyên liệu để sản xuất sữa bột là nhập khẩu nên giá nguyên liệu tác động lên nhóm này khá lớn. 6 tháng đầu năm sức tiêu thụ của nhiều nhóm sữa tăng trưởng chậm.
Chịu sức ép từ nguyên liệu đầu vào tăng cao nhưng theo ông Trung, trong khó khăn ngành sữa Việt Nam vẫn "ló" nhiều cơ hội. Giai đoạn này nếu các doanh nghiệp biết cân đối chi phí để có giá sản phẩm hợp lý, thị phần sữa của họ sẽ nhanh chóng tăng cao. Thống kê của thị trường Việt Nam cho thấy sản xuất sữa nguyên liệu tại Việt Nam mới chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Đồng thời, nhu cầu sử dụng sữa bình quân đầu người của Việt Nam còn thấp, chỉ đạt 26-28 lít một người một năm, trong khi Thái Lan là 35 lít một người, các nước châu Âu từ 80-100 lít. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm sữa bột, sản phẩm probiotic... dùng cho người cao tuổi, người mắc bệnh nền, ung thư, tiểu đường... xu hướng tăng cao hơn.
Để không bị lung lay trước cơn bão giá về nguyên liệu xảy ra bất ngờ trên thế giới, ngành sữa Việt cần chuyển mình xây dựng các trang trại theo hướng hiện đại hóa, phát triển xanh, bền vững và đa dạng sản phẩm.
Là đơn vị tiên phong trong thay đổi để thích ứng, Vinamilk cũng đang từng bước chuyển mình theo mô hình phát triển bền vững, xanh, chất lượng.
Chia sẻ với VnExpress, đại diện Vinamilk cho biết - đơn vị này hiện có 13 trang trại, trong đó có 3 trang trại Green Farm đã đi vào hoạt động. Đàn bò quy mô 20.000 con của 3 trang trại sinh thái này đang giúp công ty có thêm 250 tấn sữa nguyên liệu một ngày, đóng góp vào tổng sản lượng chung là gần 1.000 tấn một ngày. Nguồn cung này chưa lớn nhưng cũng giúp doanh nghiệp chủ động hơn về nguồn nguyên liệu trong nước.
Sắp tới khi nhà máy ở Quảng Ngãi hoạt động đạt công suất tối ưu, nguồn sữa cung cấp cho sản xuất tiếp tục tăng lên. Dự án "Tổ hợp thiên đường sữa Mộc Châu" của đơn vị này ở Sơn La với mức đầu tư 3.150 tỷ đồng và quy mô đàn bò sữa 4.000 con, dự kiến cung cấp 20 triệu lít sữa tươi một năm.
5 năm nữa, nguồn cung từ nhóm các trang trại xanh có thể đáp ứng 30% nguồn nguyên liệu sữa sinh thái cho thị trường.
Theo đánh giá của Rabobank, sang 2023, giá sữa nguyên liệu sẽ giảm nhẹ và đi ngang. Do đó, ngành sữa thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ giảm áp lực và có thêm cơ hội mới.
Báo cáo của Kantar mới đây cũng cho thấy, thị trường sữa toàn cầu sẽ dần thoát khỏi cơn khủng hoảng nguyên liệu khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát hoàn toàn. Đặc biệt, trong nhóm các khu vực tăng trưởng, châu Á sẽ là nơi có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất.
Theo dự báo của Tập đoàn IMARC, giai đoạn 2022-2027, thị trường sữa toàn cầu kỳ vọng tăng trưởng với tốc độ CAGR là 5,09%. Trong tương lai, thị trường sẽ đạt giá trị 8,76 tỷ USD vào năm 2027.
Thi Hà