Năm 2013, dự kiến kim ngạch nhập khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa sẽ vượt ngưỡng một tỷ USD, đưa Việt Nam vào top 20 nước nhập khẩu mặt hàng này nhiều nhất thế giới.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông) thừa nhận, từ năm 2001 đến nay, lượng bò sửa tăng trưởng gấp 4 lần, từ 41.000 con lên 166.000 con. Tuy nhiên, hiện bình quân một người dân Việt Nam mới chỉ được sử dụng 15 lít sữa một năm, trong khi đó nước lân cận Thái Lan là 35 lít, Trung Quốc 25 lít, còn Anh quốc là 112 lít… “Tiềm năng sản xuất và tiêu thụ sữa tại Việt Nam còn rất lớn, vì chúng ta không thể dừng lại ở con số đó”, ông Dương nói.
Với nhu cầu ngày càng lớn, thì thị trường sữa Việt Nam được coi như “miền đất hứa” cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa và cả người nuôi bò sữa.
Nhưng, sự “ngọt ngào” đó vẫn chỉ ở dạng tiềm năng. Theo thống kê, năm 2013, ước tính cả nước chỉ sản xuất được khoảng 400.000 tấn sữa tươi nguyên liệu. Chưa bàn tới chất lượng, chỉ riêng số lượng sữa tươi nguyên liệu đó mới đáp ứng được hơn 30% nhu cầu. Vì vậy, gần 70% lượng “sữa tươi” để tăng sức khỏe cho người Việt thực chất làm từ sữa bột nhập khẩu.
Do đó, chẳng có gì ngạc nhiên khi Việt Nam đứng trong nhóm 20 nước nhập khẩu sữa nhiều nhất trên thế giới, mỗi năm nhập trên 1,2 triệu tấn các loại. Theo Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến ngày 15/11, Việt Nam nhập sữa và sản phẩm sữa tới 940,6 triệu USD từ nhiều nước...“Khát” sữa tươi nguyên liệu, nhà sản xuất buộc phải nhập khẩu sữa bột để “hoàn nguyên”.
Theo đánh giá của các chuyên gia, sự phát triển ngành sữa Việt Nam đang đi ngược xu hướng thế giới. Đó là có ngành trước mới đầu tư vào phát triển nguồn nguyên liệu.
Cùng với đó là tình trạng chưa xây dựng được hành lang pháp lý rõ ràng cũng như các quy chuẩn phân loại chất lượng. Phần lớn các thông tin trên sản phẩm vẫn còn mập mờ, khiến người tiêu dùng rơi vào ma trận thông tin, kiến thức phổ cập về các loại sữa vẫn còn hạn chế, thiếu minh bạch, công khai. Chất lượng sữa chưa đảm bảo cũng dẫn đến việc người tiêu dùng mất lòng tin vào sản phẩm nội, chuyển sang dùng hàng ngoại, từ đó gây tổn thất cho ngành sản xuất trong nước.
Nhiều chuyên gia cho rằng, ngành sữa Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc trong thời gian qua với mức tăng trưởng hàng năm trên 10% về sản lượng sữa cũng như số bò. Tuy nhiên, nếu không có các giải pháp khuyến khích phát triển, thì Việt Nam mãi vẫn phải nhập khẩu mặt hàng này. Nhằm định hướng cho ngành, Chính phủ đề ra mục tiêu Việt Nam sẽ sản xuất 700 triệu lít sữa vào năm 2015 và một tỷ lít vào năm 2020, với mức tăng trưởng hàng năm trên 60 triệu lít sữa nguyên liệu.
Để đạt được mục tiêu đó, theo ông Dương, trước mắt phải phát triển số lượng đàn bò, đi liền với đó là xây dựng vùng nguyên liệu. Đây là giải pháp “phần gốc”.
"Theo đó, phải phát triển chăn nuôi bò sữa trang trại thâm canh quy mô vừa và nhỏ, tăng mức bình quân từ 5 - 6 con một nông hộ hiện nay lên khoảng 10 - 15 con”, ông Dương đề xuất. Bên cạnh đó là việc tăng quy mô trồng cỏ nuôi bò.
Ngoài ra, cần giải quyết "phần ngọn" là giải pháp tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng nhanh tiến bộ di truyền, năng suất và chất lượng sản phẩm, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho ngành chăn nuôi bò sữa.
Theo PGS. TS Nguyễn Đăng Vang - Chủ tịch Hội Chăn nuôi, ở các nước có truyền thống về ngành sữa, các nhà máy chế biến thường được hình thành từ các hợp tác xã chăn nuôi bò sữa. Do vậy, họ đã có sự hiểu biết tốt về cơ chế xác định giá mặt hàng này. Còn ở Việt Nam, giá không phụ thuộc người chăn nuôi mà bị chi phối bởi giá sữa bột.
Để có một cơ cấu giá khách quan cho người chăn nuôi không lỗ, đồng thời nhà máy chế biến cũng mua được ở mức hợp lý nhất, ông Vang đề nghị hình thành Ủy ban Sữa quốc gia. Đại diện sẽ gồm người sản xuất sữa, nhà chế biến, Hội người tiêu dùng và đại diện cơ quan của Chính phủ.
Theo Nông nghiệp Việt Nam