Số xe mới đăng ký lao dốc trong ít tuần qua khi lệnh phong tỏa được ban hành. Pháp cho biết, mức giảm là 72% so với cùng kỳ tháng 3/2019. Tây Ban Nha công bố con số giảm 69%.
Tại Thụy Điển, lượng đăng ký xe con chỉ giảm 8,6% trong tháng 3, do số xe bán ra phần lớn đã được người dân đặt mua từ nhiều tháng trước. Tác động của dịch bệnh chỉ có thể được xác định rõ trong những tháng tiếp theo.
Nhiều con số được công bố tại các quốc gia, và dường như tất cả đều thấp như nhau. Trong tháng 4, tình hình chắc chắn còn tồi tệ hơn. Dự kiến mức hao hụt từ việc dừng sản xuất trên toàn EU đạt mức 1,23 triệu xe.
Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô châu Âu (ACEA) kêu gọi "hành động đồng lòng và mạnh mẽ" nhằm đảm bảo cho các nhà sản xuất, đại lý cũng như chuỗi cung ứng rộng lớn được bảo vệ khi thu nhập giảm chưa từng có.
Tổng giám đốc ACEA cũng kêu gọi Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) "thực hiện các biện pháp tăng cường để tránh thiệt hại về nền tảng và không thể phục hồi, với những tổn thất lâu dài về việc làm, năng suất, cải tiến cũng như khả năng ngiên cứu".
Khoảng 13,8 triệu người làm việc trong ngành công nghiệp ôtô trên khắp EU, với 229 nhà máy sản xuất và lắp ráp sử dụng 2,6 triệu người trong số đó cho hoạt động sản xuất. ACEA thừa nhận đại dịch sẽ "gây hậu quả nghiêm trọng và nhiều hơn những gì chúng ta có thể dự đoán", đối với các hãng cũng như nhân viên của họ.
Các hãng xe đang phải chi các khoản tiền khổng lồ mặc dù không sản xuất bất cứ chiếc xe nào lúc này. Truyền thông Đức cho biết, Volkswagen, BMW và Daimler (hãng mẹ của Mercedes) đã gọi điện cho Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 2/4 để thảo luận các biện pháp cứu vãn tình hình. Giám đốc điều hành tập đoàn Volkswagen, Herbert Diess nói rằng, nhiều người sẽ mất việc làm nếu hoạt động sản xuất không được sớm khởi động trở lại, và bởi hãng đang "đốt" khoảng 2,17 tỷ USD mỗi tuần.
Mỹ Anh (Theo Autocar, Bloomberg)