Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agirco - HNG) vừa báo lợi nhuận quý II âm gần 560 tỷ đồng. Mức này giảm hơn 4 lần so với cùng kỳ 2021 nhưng cũng góp phần nâng mức lỗ lũy kế của công ty nông nghiệp do tỷ phú Trần Bá Dương điều hành lên gần 4.100 tỷ đồng.
Ngoài ra, mảng nông nghiệp của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) quý vừa qua tuy báo lãi hơn 13 tỷ đồng, thoát lỗ so với quý đầu năm nhưng con số này thấp hơn 26 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Bức tranh kinh doanh của các công ty chuyên về chăn nuôi ba tháng qua cũng không mấy khởi sắc. "Đại gia" nuôi heo phía Bắc - Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) - hai quý liên tiếp quay về mức lợi nhuận sau thuế của giai đoạn dịch bệnh. Công ty này vừa báo lãi hơn 14 tỷ đồng, thấp hơn 15 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam (BAF) ghi nhận lãi sau thuế hơn 40 tỷ đồng, giảm gần hai phần ba so với cùng kỳ.
Ngoài ra, Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan - VSN) quý II cũng báo lãi giảm 22% so với cùng kỳ 2021, đạt hơn 30 tỷ đồng. Còn lợi nhuận Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk - VNM) giảm khoảng 26,5%...
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành này kém thuận lợi, nhưng nổi cộm nhất là chi phí đầu vào. Theo đó, HAGL Agrico cho biết giá mua phân bón tăng 150%, vật tư nông nghiệp và bao bì đóng gói tăng 50% so với năm ngoái. Chi phí vận chuyển vẫn neo ở mức cao, đường bộ tăng gần một nửa so với cùng kỳ 2021, đường biển tăng hơn 3 lần.
Song song đó, giá phân bón cũng liên tục lập đỉnh từ đầu năm ngoái đến nay. Phân DAP hiện có giá gần 1,4 triệu đồng một bao 50 kg, đạm và kali hơn 950.000 đồng... Chỉ trong thời gian ngắn, một số loại nhích giá thêm 50.000-100.000 đồng một bao 50 kg. Nếu so với hai năm trước, giá phân bón nói chung tăng gấp 2-3 lần...
Với nhóm chuyên về chăn nuôi heo, Dabaco và BAF đưa ra lý giải khá tương đồng về lợi nhuận đi lùi. Cả hai doanh nghiệp đều cho biết gặp khó khi chi phí sản xuất và giá thức ăn chăn nuôi tăng trong khi giá bán các sản phẩm chăn nuôi không tăng đáng kể.
Thực tế chi phí thức ăn thường chiếm 65-70% giá thành sản xuất trong chăn nuôi. Không chỉ doanh nghiệp mà nông dân cũng dễ rơi vào cảnh thua lỗ. Theo ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai tính toán, giá thành để sản xuất một con heo đầu năm chỉ khoảng 55.000 đồng một kg, nay tăng lên 60.000-62.000 đồng một kg. Giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 4-6 lần (tùy doanh nghiệp) suốt thời gian qua khiến người nuôi bị lỗ.
Trong khi đó, giá heo hơi bình quân 6 tháng đầu năm vẫn duy trì dưới 60.000 đồng một kg, thấp hơn nhiều so với mức 70.000-80.000 đồng một kg cùng kỳ năm ngoái. Quý II, giá heo hơi có tăng lên nhưng không được duy trì lâu.
VnDirect dự báo giá heo hơi bình quân năm nay sẽ giảm 5,8% so với mức 61.600 đồng một kg ghi nhận trong năm ngoái. Lạc quan hơn, SSI Research cho rằng giá heo hơi sẽ đạt từ 65.000-70.000 đồng một kg trong nửa cuối năm 2022, tăng 30% so với cùng kỳ.
Trong nửa cuối năm, áp lực giá đầu vào được dự đoán dần nới lỏng. SSI Research thống kê giá bắp, lúa mì và đậu tương đã giảm lần lượt 7%, 30% và 8% so với mức đỉnh. Đơn vị này kỳ vọng chi phí thức ăn chăn nuôi sẽ đi ngang và thậm chí giảm trong quý cuối năm. Do đó, các công ty nông nghiệp sẽ bắt đầu phục hồi trong nửa cuối năm 2022.
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cũng đưa ra quan điểm tương tự đối với đầu vào ngành trồng trọt. Nhu cầu tiêu thụ phân bón đang có dấu hiệu chậm lại trước những lo ngại về suy thoái và nguồn cung phân DAP, MAP trong giai đoạn nửa cuối năm dần được nới lỏng trở lại. Điều này có thể giúp hạ nhiệt mặt bằng giá cả đầu vào nông nghiệp thời gian tới.
Tất Đạt