Dịch vụ logistics đang ngày càng khẳng định rõ vai trò tất yếu trong xã hội hiện đại. Lịch sử ngành này đã kéo dài gần 200 năm, từ vận chuyển thủ công sang áp dụng kiến bộ khoa học công nghệ.
Trước năm 1850
Logistics được manh nha từ trước năm 1850, khi quân đội các nước phương Tây cần vận chuyển vũ khí, lương thực và thông tin liên lạc, các kho chứa thường nằm dọc theo tuyến đường hành quân của họ.
Đến thế kỷ XIII, tại Mông Cổ, hệ thống logistics có tổ chức và hiệu quả của các kỵ binh đặc biệt nổi tiếng. Cụ thể, quân đội được chia thành các quân đoàn và mỗi quân đoàn sẽ chở gia súc, thực phẩm, hành lý đi cùng trên xe. Các túp lều được dựng lên vừa là nơi ở của bộ đội, vừa là nơi chăn thả gia súc. Mọi thứ đều được sắp xếp cẩn thận, cất giữ nhẹ nhàng để dễ dàng vận chuyển hơn.
Mô hình này thực sự phát triển vào thời Napoleon. Các kho chứa vật tư di động xuất hiện và các khu vực đông dân cư giúp việc tiếp tế trở nên dễ dàng hơn.
Giữa thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX
Nền công nghiệp ra đời đã thay đổi đáng kể bộ mặt ngành logistics. Những đột phá công nghệ trong máy móc, phương thức vận tải và thông tin liên lạc không chỉ thay đổi hoạt động quân sự, còn cả cuộc sống hàng ngày và nền kinh tế toàn cầu.
Trong nửa cuối thế kỷ XIX, đường sắt, tàu hỏa hơi nước và điện báo ra đời giúp con người thuận tiện giao tiếp và đi lại hơn. Ngoài ra, việc phát minh ra động cơ đốt trong, các phương tiện chạy bằng năng lượng, hàng không, điện thoại, radio, radar, truyền hình... cũng tiếp tục tác động tích cực đến nền văn minh thế giới. Logistics bắt đầu có những chức năng riêng biệt để bắt kịp với những tiến bộ này.
Giữa thế kỷ XX đến thế kỷ XXI
Từ những năm 1940 trở đi, công nghệ logistics dần chuyển từ lao động thủ công sang sử dụng xe cơ giới để vận chuyển hàng hóa. Cùng với đó, sự phát triển của pallet thang máy giúp sử dụng không gian nhà kho hiệu quả hơn. Bắt đầu từ những năm 1950, các container liên phương thức cho phép pallet thang máy được vận chuyển qua đường sắt, tàu thủy và xe tải. Theo thời gian, vận tải hàng hóa chuyển dần từ đường sắt sang xe tải.
Giai đoạn này cũng đánh dấu sự phát triển công nghệ lưu trữ hồ sơ. Đến những năm 1960-1970, sự ra đời của máy tính đã cải thiện việc lập kế hoạch logistics, quản lý hàng tồn kho và tối ưu hóa định tuyến xe tải. Sự phát triển của máy tính cá nhân trong những năm 1980 và internet xuất hiện vào cuối những năm 1990 đã thúc đẩy cuộc cách mạng dữ liệu này.
Từ đây, các công ty đã sử dụng bảng tính để cải thiện quy trình lập kế hoạch và thực hiện. Trong thời gian này, đổi mới công nghệ dẫn đến những tiến bộ trong tự động hóa. Thuật ngữ logistics bắt đầu được sử dụng ngày càng nhiều để mô tả một chức năng kinh doanh quan trọng.
Đến những năm 1990, có rất nhiều dữ liệu tồn tại trong các cơ sở dữ liệu. Để tích hợp các nguồn dữ liệu này, Hệ thống Hoạch định Nguồn lực Doanh nghiệp (ERP) đã được phát triển. Hệ thống có khả năng tích hợp nhiều nguồn dữ liệu, cải thiện độ chính xác và hỗ trợ lập kế hoạch logistics.
Thế kỷ XXI và xa hơn nữa
Quá trình toàn cầu hóa, công nghệ và internet phát triển đã thúc đẩy ngành logistics bùng nổ. Thuật ngữ "quản lý chuỗi cung ứng" đang được sử dụng rộng rãi, bao gồm: Chiến lược, lập kế hoạch và vận chuyển hàng hóa, dịch vụ, thông tin. Trong đó, logistics là một phần quan trọng của quá trình này.
Công nghệ logistics chắc chắn ngày càng thông minh hơn. Hệ thống vật lý mạng (CPS) liên kết công nghệ thông tin và logistics, cho phép hàng hóa lưu thông, được theo dõi trong thời gian thực thông qua các hệ thống đa dạng và phức tạp. Điều này cung cấp mức độ minh bạch chưa từng có cho nhà cung cấp và khách hàng.
Trong tương lai, công nghệ vẫn tiếp tục hỗ trợ dòng hàng hóa, dịch vụ, nguồn cung cấp và thông tin nhanh hơn, phức tạp hơn tới người dùng. Cũng như nhiều ngành khác, logistics được dự đoán sẽ phát triển đột phá bởi các xu hướng mới như internet vạn vật (IoT), tự động hóa và trí tuệ nhân tạo (AI).