Đầu những năm 1920, những người thợ chuyên tạo các mô hình cơ thể người tại Nhật Bản bắt đầu nhận các yêu cầu đầu tiên của một số nhà hàng. Chủ các nhà hàng nghĩ rằng, họ cần các "món ăn giả" trông như thật để người đi đường dễ hình dung và lôi cuốn hơn. Ngành làm ‘món ăn giả’ từ đó ra đời và những người thợ cũng tự gọi mình là nghệ nhân vì độ công phu của sản phẩm.
Tại một công ty gia đình có tên Fake Food Hatanaka ở thành phố Tokorozawa, 8 nghệ nhân tạo ra những đĩa thức ăn bằng vật liệu là silicon với những dụng cụ cắt gọt đơn giản, cọ sơn, súng phun màu và lò sấy. Theo các nghệ nhân, khâu khó nhất là làm sao món ăn giả có màu như thật. Ông Norihito Hatanaka - Chủ tịch công ty cho biết, ông không lo lắng trước những công nghệ mới. “Máy in 3D không thể có được sự sáng tạo như những người nghệ sĩ. Nó cũng tốn kém hơn vì dùng vật liệu đắt tiền. Do đó, cuối cùng thì chúng tôi vẫn phải vẽ bằng tay”, ông Hatanaka chia sẻ.
Mỗi món ăn giả tại Nhật Bản hiện có giá đến vài trăm đôla. Tuy nhiên, ngành này chỉ ổn định chứ không có nhiều khả năng phát triển hơn. Nguyên nhân là do các nhà hàng cao cấp không thích dùng món ăn giả để trưng bày trong khi các nước bên ngoài Nhật Bản cũng ít có thói quen thu hút thực khách bằng cách này.
Viễn Thông (theo AFP)