Các trường công nghệ, kỹ thuật cho biết các ngành học liên quan đến ôtô được quan tâm trong vài năm qua. Vậy mức điểm chuẩn, học phí và thu nhập sau này ra sao, theo đánh giá của các đại học?
Tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, điểm chuẩn ngành Công nghệ kỹ thuật ôtô trong ba năm qua luôn dao động quanh 25 điểm, theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM lấy điểm chuẩn ngành này cũng tương tự, dao động 25,35-27,5. Nếu không có điểm ưu tiên, thí sinh phải đạt 8-9 điểm mỗi môn mới trúng tuyển.
Mức trúng tuyển ngành Kỹ thuật ôtô của trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP HCM, chỉ đứng sau nhóm ngành Máy tính, Công nghệ thông tin. Năm 2022, điểm chuẩn ngành này là 60,13/100 theo cách xét tuyển kết hợp nhiều tiêu chí.
Xem điểm chuẩn ngành Ôtô ba năm qua
TS Nguyễn Anh Ngọc, Trưởng khoa Công nghệ Ôtô, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, cho hay ngành học này hot vì hàng năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 300.000-350.000 xe ôtô các loại. Tốc độ phát triển của lĩnh vực cũng nhanh chóng với các công nghệ mới như kiểm soát hành trình, phanh chủ động, lái có điều khiển, xe tự hành. Do đó, các doanh nghiệp có nhu cầu rất lớn về nhân lực chất lượng cao.
Chương trình học
TS Trần Hữu Nhân, Trưởng khoa Kỹ thuật Giao thông, trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP HCM, cho hay nhóm ngành liên quan đến ôtô nói chung có hai hướng đào tạo. Một số trường thiên về hướng công nghệ, cụ thể đào tạo kỹ năng về chẩn đoán, bảo dưỡng, sửa chữa và các dịch vụ liên quan đến ôtô. Đại học Bách khoa thiên về hướng kỹ thuật, đào tạo kiến thức và kỹ năng chuyên sâu trong các lĩnh vực về tính toán mô phỏng, thiết kế cải tiến tính năng các hệ thống trong ôtô, các chủng loại ô tô chuyên dùng, kỹ thuật sản xuất và chế tạo ôtô.
Tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật ôtô cũng được trang bị kiến thức nền tảng về thiết kế, vận hành và bảo dưỡng, kiểm định chất lượng và kiến thức dịch vụ kinh doanh. Các học phần trong chương trình đào tạo được sắp xếp theo kiến thức: Nguồn động lực trên ôtô, hệ thống điện - điện tử ôtô, Hệ thống khung gầm trên ôtô và các hệ thống phụ trợ.
Ở trường Đại học Bách khoa TP HCM, sinh viên được đào tạo kiến thức nền tảng liên quan tính toán cơ học, động lực học, kỹ thuật thiết kế và tính toán mô phỏng. Về kỹ năng, sinh viên được rèn luyện khả năng triển khai thiết kế, tính toán mô phỏng, giải quyết vấn đề trong kỹ thuật một cách có hệ thống.
Nếu học ngành Kỹ thuật Ô tô tại trường Đại học Giao thông vận tải, sinh viên có thêm lựa chọn trở thành kỹ sư với chương trình học 5 năm (183 tín chỉ) bên cạnh chương trình cử nhân kỹ thuật trong 4 năm (140 tín chỉ). Ngoài kiến thức chuyên ngành và kỹ năng mềm, sinh viên xuất sắc được gửi đi thực tập ở nước ngoài.
Học phí
Học phí ngành học về ôtô, chương trình chuẩn ở một số trường đại học (đồng/năm) dao động 18,5-32,5 triệu đồng mỗi năm. Cụ thể như sau:
TT | Trường | Học phí |
1 | Đại học Bách khoa Hà Nội | 23.000.000-29.000.000 |
2 | Đại học Bách khoa TP HCM | 30.000.000 |
3 | Đại học Giao thông Vận tải | khoảng 10.000.000 |
4 | Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM | 29.000.000 |
5 | Đại học Công nghiệp TP HCM | 32.500.000 |
6 | Đại học Công nghiệp Hà Nội | 18.500.000 |
Vị trí việc làm
Với định hướng đào tạo thiên về kỹ thuật, sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật ôtô của Đại học Bách khoa TP HCM có thể làm việc ở khối kỹ thuật, phòng thiết kế, nghiên cứu, phát triển sản phẩm trong lĩnh vực kỹ thuật nói chung, không nhất thiết là các công ty liên quan đến ôtô.
Ngoài ra, TS Nhân cho biết nhiều sinh viên ngành này lựa chọn du học lên bậc cao hơn và trở về giảng dạy trong ngành ôtô tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp.
Trong khi đó, tốt nghiệp ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, sinh viên có thể đảm nhiệm vị trí kỹ sư thiết kế tại các tập đoàn sản xuất ôtô trong và ngoài nước, kỹ thuật viên bảo dưỡng sửa chữa ôtô, kiểm định viên, giám định viên bảo hiểm ôtô hoặc quản lý, vận hành các cơ sở dịch vụ liên quan như showroom, nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô.
Tương tự, trường Đại học Giao thông Vận tải cho hay cử nhân hoặc kỹ sư ngành Kỹ thuật ôtô có thể làm việc tại các nhà máy lắp ráp ô tô, công ty vận tải, công ty sản xuất cơ khí, cục hoặc trung tâm đăng kiểm, cơ sở sửa chữa/bảo dưỡng.
Mức lương
Sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật ôtô vừa tốt nghiệp Đại học Công nghiệp Hà Nội có thể nhận mức lương 6-15 triệu đồng mỗi tháng. Sau 5 năm, mức lương này được cải thiện, lên 15-25 triệu đồng.
TS Nguyễn Hữu Nhân cho biết hiều sinh viên ngành Kỹ thuật ôtô của Bách khoa ra trường có thể nhận ngay mức lương 15-16 triệu đồng mỗi tháng. Sau 3-5 năm tích lũy kinh nghiệm trong nghề, lên cấp độ chuyên gia, thu nhập của họ có thể tăng gấp đôi, ba hoặc được mời qua Đức, Nhật làm việc với mức lương hậu hĩnh.
Tuy nhiên, mức lương còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như năng lực chuyên môn, kỹ năng, hiệu suất làm việc.
Là ngành hot, thu hút sự quan tâm lớn của thí sinh trong những năm gần đây nên nhiều trường đại học, cao đẳng không đặc thù về kỹ thuật cũng mở ngành Công nghệ kỹ thuật ôtô và tuyển sinh với hàng nghìn chỉ tiêu mỗi năm.
PGS Đỗ Văn Dũng, nguyên hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, nhận định với cách tuyển sinh tràn lan hiện nay, nhân lực ngành ôtô có thể bão hòa và dư thừa trong vài năm tới.
"Nhiều trường tư thục tuyển sinh vài nghìn chỉ tiêu mỗi năm, không đảm bảo chất lượng đào tạo, cơ sở thực hành, giảng viên. Thí sinh nên cân nhắc sở thích, lựa chọn trường uy tín, không nên đăng ký theo phong trào", ông Dũng khuyên.
Tương tự, TS Trần Hữu Nhân đánh giá sau một thời gian phát triển nóng về quy mô tuyển sinh, ngành này có thể thoái trào trong 4-5 năm tới vì cung nhiều hơn cầu. Quy luật này cũng từng diễn ra với các ngành về kinh tế, tài chính ngân hàng.
"Tuy nhiên, nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn còn nhiều tiềm năng, và luôn được các công ty, tập đoàn lớn trong và ngoài nước săn lùng", ông Nhân nói.
Lệ Nguyễn - Dương Tâm