Năm 2020 từng được cho là dấu mốc quan trọng với nền kinh tế sáng tạo, với Olympic mùa Hè tại Tokyo cùng bộ phim mới của series James Bond, nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa tiêu biểu của thế giới.
Tuy nhiên, Covid-19 đã làm đảo lộn những dự định. Khi virus lây lan, những biểu diễn nghệ thuật, festival, giải đấu thể thao, ra mắt phim, trình diễn thời trang, sân khấu, quay phim, truyền hình và phát hành album... đều phải hoãn hoặc hủy bỏ lịch trình.
Công nghệ sáng tạo trì trệ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế địa phương và lực lượng lao động trong ngành. Một ví dụ rõ nét trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Ở Anh, các nhà hát sử dụng 290.000 người lao động. Ở Mỹ, ngành công nghiệp Broadway trị giá 1,8 tỷ USD. Tại nhiều nước, các rạp chiếu phim phải đối mặt với một năm 2020 không có doanh thu và nhiều nhà khai thác phải đóng cửa rạp chiếu phim trong nhiều tháng tới.
![Một buổi biểu diễn Broadway. Ảnh: Evan Agostini.](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2020/11/17/Bz-20-OCT-Hamilton-the-musical-7987-1605609054.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=eHZw9uDGHmdVNnSCjqfLHA)
Một buổi biểu diễn Broadway. Ảnh: Evan Agostini.
Dù nhiều quốc gia có kết quả chống dịch tốt hơn, song hàng triệu người trên khắp thế giới phải đối mặt với tình trạng giảm thu nhập, mất việc làm... Những nghiên cứu nhấn mạnh tác động dịch bệnh đến nền kinh tế sáng tạo. Tại Anh, một trung tâm lớn, nghệ thuật biểu diễn dự kiến sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với mức giảm doanh thu lên tới 61% trong năm nay. Điều này cũng đúng ở Đức, nghệ thuật biểu diễn cùng với âm nhạc và điện ảnh phải gồng mình khi doanh thu giảm từ 35% đến 75%.
Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, đại dịch cũng tạo ra một cơ hội mới. Theo giới chuyên gia, nền kinh tế sáng tạo luôn đi đầu trong việc áp dụng công nghệ. Bởi vậy, ngành có thể thích ứng nhanh chóng với đại dịch để tiếp cận khán giả theo những cách mới, đơn cử như trong âm nhạc, phim ảnh và thể thao. Nhiều người cũng tin rằng Covid-19 khiến công chúng ủng hộ phương tiện truyền thông trực tuyến. Dù có nhiều quan điểm cho hay các công ty và nền tảng công nghệ hưởng lợi nhiều nhất từ sự thay đổi này.
Các chương trình hỗ trợ dành riêng cho người lao động trong các ngành công nghiệp sáng tạo được triển khai. Nhiều doanh nghiệp tư nhân áp dụng loạt chương trình hỗ trợ khẩn cấp cho các nghệ sĩ và đoàn làm phim.
Có nhiều ví dụ điển hình khác trong nền kinh tế sáng tạo biết cách phản ứng để vượt qua khủng hoảng. Đơn cử, trong ngành công nghiệp âm nhạc, ba hãng thu âm lớn nhất là Sony, Universal và Warner đều thực hiện cứu trợ kết hợp việc quyên góp từ thiện như ứng trước tiền bản quyền, miễn phí và tổ chức các lễ hội âm nhạc ảo để gây quỹ.
IFPI (Liên đoàn Công nghiệp thu âm quốc tế) thống kê 160 tổ chức và công ty có biện pháp và sáng kiến liên quan đến ngành công nghiệp âm nhạc nhằm chống lại tác động của Covid-19 trên toàn cầu. Netflix, NBCUniversal, ViacomCBS... cũng thành lập quỹ hỗ trợ khó khăn trị giá hàng triệu USD, đồng thời còn quyên góp thiết bị bảo vệ cá nhân hoặc hỗ trợ các chiến dịch truyền thông về sức khỏe cộng đồng...
Nếu như thuật ngữ "công nghiệp sáng tạo" (creative industry) đã xuất hiện ở Anh vào giữa những năm 90 của thế kỷ XX thì tại Việt Nam, khái niệm này còn chưa được nhiều người quan tâm. Giới chuyên gia nhận định vẫn còn "khoảng trống" trong lĩnh vực công nghiệp sáng tạo do chưa có sự đầu tư đúng mức. Theo nhạc sĩ Thanh Bùi: "Bên Mỹ, với 1 USD đầu tư trong ngành nghề sáng tạo sẽ đẻ ra 24 USD. Tuy nhiên, Việt Nam mình chưa khai thác được điều đó".
![Nghệ sĩ Thanh Bùi.](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2020/11/17/106039-1469860181-146985848390-1947-8953-1605609407.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=uUr6bHBoRTXdogt6gjiNKA)
Nghệ sĩ Thanh Bùi.
Những đánh giá của nghệ sĩ Thanh Bùi về tiềm năng công nghiệp sáng tạo của Việt Nam, của giáo dục sáng tạo là một trong những nội dung sẽ được đề cập trong talkshow Nguy - Cơ 11, dự kiến phát sóng ngày 19/11, do VnExpress và S-world phối hợp tổ chức.
Hoài Phong (Theo The National)
Talkshow Nguy - Cơ là không gian để các doanh nghiệp, doanh nhân chia sẻ câu chuyện của mình, phân tích trực diện các vấn đề kinh doanh về cuộc chiến khốc liệt trên thương trường cùng host là doanh nhân, diễn giả Nguyễn Phi Vân. 52 số của chương trình là câu chuyện của các vị lãnh đạo, đầu tàu doanh nghiệp đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau từ công nghệ, bất động sản, tài chính đến dịch vụ giải trí, tiêu dùng, vận tải... Mời độc giả xem lại các số Nguy - Cơ số một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám, chín, mười.
Những doanh nghiệp muốn chia sẻ câu chuyện của mình có thể liên hệ Ban sản xuất chương trình tại đây.