Ông Osamu Igarashi, Cố vấn trưởng của Ủy ban thương mại lành mạnh Nhật Bản trao đổi với VnExpress.net về tiềm năng của ngành dược phẩm ở Việt Nam và định hướng đầu tư vào lĩnh vực này tại đây trong thời gian tới.
- Ông đánh giá như thế nào về ngành dược phẩm ở Việt Nam?
- Doanh nghiệp dược phẩm của Nhật hiện tham gia vào thị trường Việt Nam chủ yếu ở dạng thuốc generic, được hiểu là thuốc tương đương sinh học với các thuốc sáng chế. Đối với các loại thuốc được kê toa theo đơn thì doanh nghiệp Nhật chưa tham gia. Nhưng theo quan điểm của tôi, trong tương lai họ sẽ thâm nhập vào thị trường này mạnh hơn, bởi ngành dược phẩm còn nhiều tiềm năng phát triển.
Việc đầu tư theo hình thức liên doanh hay 100% vốn đầu tư nước ngoài sẽ còn phụ thuộc vào quy định của pháp luật. Tôi nghĩ rằng, doanh nghiệp Nhật có xu hướng đầu theo dạng trực tiếp đổ vốn vào Việt Nam, vì điều này sẽ thuận lợi cho hoạt động kinh doanh hơn.
- Có ý kiến cho rằng điểm hấp dẫn của ngành dược là doanh nghiệp có cơ hội trục lợi trên giá thuốc nên khả năng sinh lời lớn? Quan điểm của ông về vấn đề này?
- Theo tôi, điều này có thể kiểm soát được, thông qua các chế tài xử phạt. Tiền phạt có thể được tính bằng cách áp dụng theo tỷ lệ với doanh thu của hàng hóa hay dịch vụ. Tuy nhiên, chúng tôi còn có chính sách khoan dung, trong đó các khoản phạt được miễn trừ hoặc giảm nhẹ với điều kiện các doanh nghiệp có dính líu phải tự nguyện khai báo với cơ quan quản lý.
- Theo ông, làm cách nào để hạn chế chuyện cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp ngành dược?
- Thông thường, có 2 hành vi vi phạm luật cạnh tranh. Thứ nhất là hạn chế theo chiều ngang, tức thỏa thuận ngầm giữa các nhà sản xuất dược phẩm với nhau. Ví dụ, thông đồng đấu thầu, thỏa thuận giá bán. Thứ hai là hạn chế theo chiều dọc, là sự liên kết giữa các nhà sản xuất và nhà phân phối. Cụ thể, nhà sản xuất ấn định giá bán lại cho nhà phân phối.
Ngoài ra, còn có trường hợp hạn chế cạnh tranh bằng cách loại trừ đối thủ hay hành vi mang tính trục lợi qua việc xác định mức giá để thôn tính, làm tăng chi phí của đối thủ. Ví dụ: công ty A có quy mô lớn hơn công ty B. Công ty A ký được hợp đồng độc quyền với nhà phân phối X, Y, Z, trong khi đó công ty B không giành được hợp đồng nào từ các nhà phân phối trên. Như vậy, công ty B bị loại trừ ra khỏi thị truờng. Đây là một hành vi hạn chế cạnh tranh.
Thị trường dược phẩm của Nhật lớn thứ hai thế giới sau Bắc Mỹ. Chúng tôi có những quy định nghiêm ngặt về luật chống độc quyền, ngăn chặn việc thông đồng đấu thầu cũng như đưa ra các hình thức xử phạt đối với doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ nếu có hành vi vi phạm. Chúng tôi cũng chú trọng đến bằng sáng chế vì đây là điều căn bản để cho ra những sản phẩm luôn đổi mới. Công nghệ dược cần được bảo vệ bằng sáng chế hơn tất cả các ngành khác.
Ông Đỗ Văn Dũng, Thạc sĩ - Dược sĩ kiêm Phó phòng quản lý dược Sở y tế TP HCM, Phó Tổng thư ký Hội Dược học TP HCM cho biết, ngành dược hiện hấp dẫn giới đầu tư trong, ngoài nước và có sự cạnh tranh rất cao. Mỗi người Việt chi bình quân cho thuốc 0,3 USD một người mỗi năm vào năm 1989 và đạt 25 USD vào năm 2012. Theo ông Dũng, sản xuất trong nước đáp ứng 50% nhưng thuốc do Việt Nam sản xuất mới được dùng khoảng 38,7%. Ông Dũng cho biết tình hình cạnh tranh dược phẩm tại TP HCM vẫn còn chứa nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh, chủ yếu do bán giá cao đối với các thuốc biệt dược gốc vì độc quyền; nâng giá bán khi có biến động; bán phá giá dưới giá thành để loại sản phẩm và đối thủ cạnh tranh; găm hàng; bán hạn chế; thông tin quảng cáo thuốc gây nhầm lẫn. TP HCM có 2.357 doanh nghiệp dược, hơn 50.000 cơ sở bán lẻ, hiện có khoảng 30.000 loại thuốc đang lưu hành trên thị trường. |
Mai Phương