Trong báo cáo thẩm tra dự án Luật Dược, Ủy ban Xã hội nêu Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển ngành dược khi nhu cầu chăm sóc và chi tiêu cho sức khỏe của người dân ngày càng cao. Tiền thuốc bình quân đầu người năm 2022 là 75 USD (khoảng 1,7 triệu đồng), tăng 52,75 USD so với 2010.
Tốc độ già hóa dân số nhanh khiến thị trường dược Việt Nam ngày càng thu hút doanh nghiệp nước ngoài. Trong khi đó, đa số nhà cung cấp dược phẩm trong nước thiếu nguồn lực để phát triển sản xuất, khai thác thị trường nội địa. Việc sản xuất thuốc phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu làm thuốc của nước ngoài, sản phẩm thiếu tính cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu cùng loại, ảnh hưởng đến doanh thu.
Hơn nữa, Việt Nam hiện chưa sản xuất được các sản phẩm thuốc đặc trị, chỉ làm được một số loại thuốc điều trị bệnh thông thường. Phần lớn thuốc đặc trị thiết yếu vẫn phải nhập từ các công ty dược nước ngoài. Người Việt cũng có xu hướng tin dùng thuốc ngoại nhập hơn thuốc nội.
Ủy ban Xã hội đánh giá điều này làm cho các doanh nghiệp trong nước phải tiếp tục huy động vốn thông qua tăng khối lượng và tăng tỷ lệ % cổ phiếu được phép giao dịch. Từ đó dẫn đến nguy cơ "bị thâu tóm" bởi các nhà đầu tư nước ngoài, gây ảnh hưởng nhất định đến bảo đảm an ninh y tế.
Do đó, Việt Nam cần có chính sách hài hòa giữa việc thu hút đầu tư nước ngoài và bảo đảm sự phát triển của các doanh nghiệp nội địa, tạo vị thế, tăng khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp dược trong nước, sản phẩm dược của Việt Nam trên thị trường.
Theo Ủy ban Xã hội, việc xây dựng chính sách về dược và phát triển công nghiệp dược cần xem xét thận trọng, trên cơ sở "lấy người dân làm trung tâm". Các đơn vị tập trung khai thác tiềm năng hiện có và phát triển nguồn dược liệu, vùng trồng dược liệu quý sản xuất thuốc từ nguồn dược liệu sẵn có trong nước.
Mục tiêu đặt ra đến năm 2030, thuốc sản xuất trong nước đáp ứng khoảng 80% nhu cầu sử dụng và 70% giá trị thị trường; sản xuất được 20% nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất thuốc trong nước.
Trình bày dự án Luật Dược, Bộ trưởng Y tế nói thời gian qua thuốc sản xuất trong nước chủ yếu là thuốc generic, trong khi công nghiệp dược thiếu các công nghệ mới, từ đó chưa thể cung cấp kịp thời các thuốc phù hợp với mô hình bệnh tật, dịch bệnh mới nổi.
Hơn nữa, các chính sách tại Luật Dược và cơ chế ưu đãi đầu tư chưa thúc đẩy phát triển sản xuất nguyên liệu làm thuốc. Trong đó bao gồm cả hoạt chất tinh khiết chiết xuất từ dược liệu là thế mạnh của Việt Nam cũng như nguyên liệu sinh học. Điều này dẫn đến chưa thu hút được cơ sở sản xuất đầu tư, nghiên cứu và phát triển lĩnh vực dược.
Bộ Y tế lấy ví dụ, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp chưa quy định rõ về ưu đãi với nghiên cứu, sản xuất. Bởi thế nhiều dự án sản xuất thuốc được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp tương đối thấp. Tỷ lệ trích quỹ và thời gian sử dụng quỹ phát triển khoa học và công nghệ cũng chưa phù hợp với nghiên cứu phát triển thuốc mới.
Từ đó Bộ Y tế đề xuất cần có chính sách "mang tính đột phá" để thúc đẩy hơn nữa việc nghiên cứu, phát triển sản xuất nguyên liệu làm thuốc. Đặc biệt là áp dụng công nghệ sản xuất thuốc mới đáp ứng nhu cầu trong trường hợp cấp bách như xảy ra dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh, bệnh truyền nhiễm mới nổi.
Trước những đề xuất của Bộ Y tế, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đồng tình việc cần ban hành cơ chế, chính sách để phát triển công nghiệp dược. Việc này nhằm bảo đảm đủ thuốc có chất lượng, giá cả hợp lý phục vụ phòng, khám chữa bệnh, nâng cao sức khỏe cho người dân.