Tọa đàm "Kích cầu du lịch nội địa - Trải nghiệm Việt Nam an toàn, hấp dẫn" do Tổng cục Du lịch phối hợp với báo điện tử VnExpress tổ chức ngày 24/9. Chương trình có hai phiên thảo luận chính gồm: Việt Nam - điểm du lịch an toàn; Duy trì và phát triển diểm du lịch hấp dẫn.
Đúng 14h30 hội trường tại Trung tâm hội nghị Almaz, khu đô thị Vinhomes Riverside, Phúc Lợi, Long Biên, Hà Nội chật kín người tham dự. Tại sự kiện, đại diện Tổng cục Du lịch, doanh nghiệp... cùng trao đổi về phương án du lịch an toàn trong bối cảnh dịch Covid-19 lần hai tạm lắng, gần một tháng không còn ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Mở đầu tọa đàm, ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục Trưởng, Tổng cục Du lịch đánh giá, chương trình kích cầu du lịch nội địa của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phát động từ tháng 5 đã đạt hiệu quả tích cực nhờ sự đồng lòng của địa phương, doanh nghiệp, báo chí, cơ quan truyền thông. Trong tháng 5, 6, 7 du lịch nội địa phục hồi. Tuy nhiên, khi Covid-19 bùng phát trở lại, ngành lại vấp phải những khó khăn. Mặc dù Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ song ngành cần nỗ lực để phục hồi như đợt kích cầu đầu tiên.
Vừa qua, Tổng cục Du lịch thực hiện các giải pháp bảo an toàn cho khách du lịch, đẩy mạnh truyền thông các kênh địa phương, ban hành quyết định 473, 474/QĐ-TCDL, hướng dẫn các quy định du lịch an toàn tới người dân, cơ sở du lịch.
Các địa phương cần xây dựng gói kích cầu, chương trình du lịch hấp dẫn
"Đợt kích cầu lần hai này, chúng ta đã có kinh nghiệm từ đợt trước. Bên cạnh an toàn, cần có yếu tố hấp dẫn. Các địa phương phát huy chủ động, sáng tạo cùng nhau xây dựng gói kích cầu, chương trình du lịch hấp dẫn", ông Siêu cho biết.
Theo đó, Sở Du lịch TP HCM đã mở các website đăng tải các gói kích cầu và liên kết địa phương. Thời gian này, Sở đang xây dựng website thương mại phục vụ du lịch. "Chúng tôi tiếp cận kích cầu theo mức giá và nhu cầu của người dân. Hiện nay, khảo sát cho thấy du khách thích đi theo nhóm nhỏ. Vì vậy, chúng tôi xây dựng gói sản phẩm cá nhân hóa: nhóm nhỏ, doanh nhân...", bà Võ Thị Ngọc Thúy, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM cho biết.
Các địa phương cũng đẩy mạnh hình thức du lịch gần gũi thiên nhiên, đảm bảo quyền lợi của du khách. Thời gian tới, Đà Nẵng sẽ phát động cuộc thi "Nhớ Đà Nẵng" với mong muốn các du khách tới điểm du lịch biển này trước khi có dịch hay trong thời gian bị mắc kẹt, chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ. Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng mong muốn cơ quan thông tấn hỗ trợ tỉnh truyền đạt thông tin, hình ảnh của cuộc thi. Ngoài ra, Đà Nẵng tập trung tạo sản phẩm mới, chiến dịch phát triển sản phẩm dài hạn. Cũng giống Đà Nẵng, Hà Giang hướng đến là địa điểm du lịch bản sắc, an toàn. Tháng 11, Hà Giang sẽ có lễ hội hoa tam giác mạch, liên hoan ẩm thực với 8 tỉnh Tây Bắc, TP HCM.
Doanh nghiệp kinh doanh du lịch đặt tiêu chí an toàn lên hàng đầu
Bên cạnh những chủ trương, chính sách của Tổng cục Du lịch, các doanh nghiệp cũng thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo du lịch an toàn, kích cầu sau một tháng không nghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng. Cụ thể, vấn đề an toàn được các hãng hàng không Vietnam Airlines... đặt lên hàng đầu. Hãng không ngừng điều chỉnh quy định và quy trình để đảm bảo an toàn cho hành khách. "Tới thời điểm này, chúng tôi thực hiện an toàn tuyệt đối cho 156 chuyến bay đưa người lao động từ nước ngoài về nước, chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam làm việc", ông Vũ Nguyên Khôi - Trưởng ban Tiếp thị và chuyển đổi số của Vietnam Airlines nói.
Theo đó, máy bay luôn được phun khử khuẩn tồn lưu, vệ sinh bằng dung dịch khử khuẩn an toàn với sức khỏe sau mỗi chuyến bay. Đội ngũ phục vụ cam kết mang đến dịch vụ an toàn, tận tâm. Hành khách khai báo y tế trước mỗi chuyến bay, khuyến khích check-in, làm thủ tục trực tuyến trên app, website, tổng đài... để đảm bảo giãn cách xã hội.
Trong suốt chuyến bay, đồ uống đóng chai được sử dụng, khăn lau tay chứa cồn sát khuẩn, suất ăn được đóng kín và nấu chín, nước ép trái cây nguyên chất hạng thương gia để tăng cường hệ miễn dịch... Bầu không khí trên máy bay được làm mới sau mỗi 3 phút nhằm hạn chế truyền nhiễm.
Thực tế, đại dịch Covid-19 làm thay đổi tâm lý của hành khách. Việc Covid-19 quay lại lần hai đem lại sự e ngại cho mọi người. Vì vậy, Vietravel đưa ra các giải pháp an toàn cho khách cũng như tăng cường công tác truyền thông để khách hàng yên tâm khi đi du lịch.
Để thu hút du khách đến với chuỗi khách sạn, khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, Tập đoàn Vingroup đã đưa ra sản phẩm có chi phí hợp lý, chất lượng 5 sao, phù hợp với đa dạng khách hàng với các gói combo ưu đãi gồm: vé máy bay, khách sạn, vé trải nghiệm tại khu vui chơi giải trí. Tập đoàn cũng nhân dịp kích cầu lần một để phát triển điểm đến cao cấp, đặt mục tiêu đưa Phú Quốc trở thành điểm đến được yêu thích. Hiện, VinWonders Phú Quốc là công viên giải trí lớn ở châu Á, Grand World Phú Quốc xây dựng trở thành thành phố lễ hội "không ngủ". Cùng bàn về du lịch thời điểm này, bà Trần Thị Nguyện - Giám đốc Kinh doanh Sun World hy vọng mọi du khách đều ý thức về sự an toàn vì khi các ngành, người dân cùng vào cuộc thì du lịch Việt mới an toàn.
Giống các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, Alma resort đặt an toàn của khách hàng lên hàng đầu. Theo đó, Giám đốc thương mại Alma resort đã chỉ định cán bộ quản lý và chăm sóc sức khỏe lên kế hoạch phản ứng tức thời, trong đó bao gồm việc lập điểm kiểm tra thân nhiệt tại khu vực lễ tân, cửa ra vào resort dành cho nhân viên; đảm bảo giãn cách tối thiểu 2m tại nơi đông người; bố trí dung dịch sát khuẩn cá nhân tại nhiều khu vực trọng yếu trong resort. Các bề mặt thường xuyên chạm tay vào như nút bấm thang máy cũng được khử trùng thường xuyên trong ngày. Đặc biệt các phòng nghỉ đều sẽ khử trùng sạch sẽ trước và sau khi khách rời đi.
Thêm vào đó, để giúp khách hàng hạn chế tiếp xúc nơi đông người, Alma cung cấp thêm nhiều dịch vụ tại phòng nghỉ, sử dụng vòng đeo tay thông minh để tránh sử dụng tiền mặt trong khu nghỉ dưỡng. Chiếc vòng được sử dụng thay cho chìa khóa phòng thông thường và có tính năng ghi nhận mọi giao dịch thanh toán diễn ra trong resort. Do đó, khách hàng chỉ cần thanh toán một lần khi check-out thay vì phải dùng trả tiền mặt.
Ngành du lịch cần ứng dụng công nghệ mới để phát triển
Mở đầu phiên thảo luận "Duy trì và phát triển du lịch hấp dẫn", ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch cho biết, khi dịch bùng phát, toàn ngành đã làm nhiều việc hăng hái, nhưng nếu cứ dùng các công cụ bình thường sẽ không giải quyết được khó khăn. Nếu tháng 11, 12 lại bùng dịch thì công sức bỏ ra để kích cầu nhiều mà hiệu quả thu lại không đáng kể. Theo ông Bình, du lịch vừa phải kích cầu vừa nghĩ giải pháp xa, tốt hơn để giải quyết ảnh hưởng, ví dụ như sống chung với dịch.
Để giải quyết bài toán này, doanh nghiệp nên tập trung vào chất lượng dịch vụ. Du khách phải được phục vụ tốt, đưa ra sản phẩm mới nhất hoặc làm lại theo cách mới. Doanh nghiệp lớn cố gắng giới thiệu đến khách hàng sản phẩm mới lạ.
"Nếu chỉ dùng giải pháp thông thường như giảm giá, yêu cầu hỗ trợ thì không còn phù hợp. Tổ chức du lịch thế giới đưa khẩu hiệu: Covid-19 chuyển đổi du lịch, hãy tư duy theo cách mới, tiếp cận khách hàng theo cách khác, tìm hiểu hệ thống tự động, sử dụng trí tuệ nhân tạo, tiếp cận công nghệ mới để phát triển. Doanh nghiệp nên chuyển đổi số để khắc phục nhanh hậu quả dịch bệnh để lại", ông Bình cho biết.
Bên cạnh đó, ngành du lịch có thể đề xuất chính phủ quan tâm bằng cách giảm thuế VAT, thuế thu nhập, lùi thời gian nộp thuế, cho vay tiền... Hiện, 10 - 15% doanh nghiệp giải thể, người lao động vẫn chưa tiếp cận nhiều đến chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Chính quyền địa phương cũng cố gắng hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, giảm phí tham quan, vé, lệ phí hoạt động để các doanh nghiệp có động lực tiếp tục hoạt động. Chính quyền địa phương nên chia sẻ với doanh nghiệp dù mức hỗ trợ rất thấp để đồng hành cùng họ trong khó khăn. Ngoài ra, cần hỗ trợ doanh nghiệp bồi dưỡng, đào tạo nhân lực để chuẩn bị nguồn nhân lực tốt cho ngành trong tương lai.
Doanh nghiệp cũng cần ủng hộ chủ trương của Tổng cục Du lịch, kích cầu lần hai song song nghiên cứu, tìm hiểu chuyển đổi số để đưa du lịch thành ngành kinh tế số để vừa phát triển kinh tế vừa phòng chống dịch. Các bên cần xác định dù dịch bệnh có tái phát cũng không bất ngờ và có kinh nghiệm để đối phó ngay lập tức.
Bế mạc, ông Hà Văn Siêu phát động chương trình "Kích cầu du lịch nội địa, trải nghiệm Việt Nam an toàn hấp dẫn", kêu gọi địa phương, doanh nghiệp du lịch, hàng không lữ hành... cùng chung tay cam kết bằng mọi cách để khách du lịch an toàn.
Ngọc Thi
Ảnh: Thiên Di
Xem diễn biến chính