Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), để ngành điều đạt 2,2 tỷ USD năm nay, trong đó 1,8 tỷ USD từ xuất khẩu điều nhân, doanh nghiệp điều Việt Nam phải thu mua 100% nguyên liệu sản xuất trong nước, tương ứng 350.000 tấn điều thô, đồng thời nhập khẩu 650.000 tấn điều thô từ Tây Phi, Đông Phi, Đông Nam Á.
Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp chế biến điều đang khó khăn về vốn. Do đó, Vinacas kiến nghị Chính phủ và các ngân hàng hỗ trợ hạn mức tín dụng 19.670 tỷ đồng để các doanh nghiệp thu mua nguyên liệu, trong đó có 8.750 tỷ đồng cho vay ưu đãi với lãi suất 4% để mua nguyên liệu trong nước.
Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Vinacas cho biết, rút kinh nghiệm việc mua bán điều thô trong nước chưa hiệu quả trong năm trước, các doanh nghiệp điều sẽ có những bước đi thận trọng trong năm nay, vì thế việc tranh mua, tranh bán có thể sẽ không diễn ra như các năm trước đây.
Hiện tại, các vùng điều ở Bình Phước, Đồng Nai bắt đầu bước vào niên vụ mới. Giá thu mua đầu vụ từ 26.000-26.500 đồng một kg ở Bình Phước, 25.000-26.000 đồng một kg ở Đồng Nai.
Theo thống kê của Vinacas, năm ngoái, các doanh nghiệp thu mua khoảng 300.000 tấn điều thô trong nước với giá bình quân 28.500 đồng một kg, tăng gần 2.500 đồng một kg so với năm 2012; nhập khẩu 651.000 tấn, trị giá 621 triệu USD, tăng 95,8% về lượng và hơn 83% về giá trị so với năm 2012. Lượng điều nhân xuất khẩu năm ngoái là 264.000 tấn, tương ứng 1,66 tỷ USD, tăng 19,2% về lượng và gần 13% về giá trị so với năm 2012.
Năm 2013, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu điều lớn nhất của Việt Nam, chiếm 30% tổng sản lượng xuất khẩu, tiếp đến là Trung Quốc (25%), châu Âu (25%), còn lại là các quốc gia khác.
Mai Phương