Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế, trong số tất cả các doanh nghiệp được Nhà nước kiểm soát về giá thì ngành điện là một trong những ngành đặc thù nhất, theo như nghị định giá thì chỉ có tăng mà không có giảm. Ngành xăng dầu cũng có đặc thù và bị chỉ trích nhiều, dù Nhà nước kiểm soát về giá nhưng cũng có lúc tăng lúc giảm. Các mặt hàng khác cũng tương tự như thế. Riêng điện là một trong những mặt hàng đặc biệt, giá không giảm dù nước trong thủy điện tràn trề hay cạn kiệt hoặc giá xăng dầu có giảm.
Bàn về những ngành độc quyền và được kiểm soát về giá, TS Phong nhấn mạnh, với ngành điện, cơ chế kiểm soát giá cả là mập mờ, gây nhức nhối xã hội nhất. Trong năm 2012 họ khai lãi gần 6.000 tỷ so với năm 2011 mà đã "ướm" trước sẽ tăng giá vào năm nay mặc dù những lý do họ đưa ra còn ở phía trước như khô hạn ở miền Trung hay chi phí đầu vào.
TS Nguyễn Minh Phong cho rằng: “Trong thâm tâm ngành này đã có sẵn tư tưởng tăng giá. Cái mà họ hướng tới liên tiếp là tăng giá, coi đây là nguồn lợi mà họ muốn bấu víu vào. Họ không đưa ra những kế hoạch biện pháp, cải cách quản lý, giảm giá, gia tăng hoạt động minh bạch như phát triển ngành điện to lớn hơn, đồng bộ hơn”.
![]() |
Thời gian qua, giá điện chỉ tăng chứ không giảm. Ảnh: Hoàng Hà |
Hầu như mối quan tâm của ngành điện là tập trung biện minh để được tăng giá. Nhìn vào thực tế Tập đoàn Điện lực Việt Nam, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng việc tăng giá điện trong thời gian tới cần được kiểm soát chặt chẽ và minh bạch hơn nữa, cần giải trình rõ những cơ sở khách quan bao gồm báo cáo chi phí sản xuất, chi phí cơ cấu phát triển, mức giá khấu hao,… Các báo cáo đó cần kiểm toán, xác lập của các cơ quan thanh tra chuyên ngành một cách phù hợp.
Theo TS Phong, người ta không thể áp đặt doanh nghiệp không tăng giá trong bối cảnh có nhiều yếu tố cần tăng giá. Mọi tính toán cần hợp lý. Riêng đối với cơ cấu giá, cơ cấu phát triển của ngành điện hiện nay cần rõ hơn những yếu tố này cũng như làm lành mạnh hơn cơ cấu quản lý. Cần tăng thêm các chế tài trong việc lạm dụng độc quyền tăng giá.
Trong khi đó nhận định việc EVN báo lãi nhưng vẫn đòi tăng giá điện, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: “Lãi, lỗ của EVN tôi không có thông số cụ thể để biết lãi lỗ thật”.
TS Lê Đăng Doanh cũng khẳng định, việc tăng giá điện trong năm 2013 sẽ khiến đời sống người dân sẽ càng điêu đứng vì giá điện tăng cũng như giá xăng sẽ kéo theo giá dịch vụ, sinh hoạt mọi thứ đều tăng. Hơn nữa, theo TS Doanh kinh tế năm 2013 sẽ còn khó khăn, thậm chí là khó khăn hơn năm 2012 chính vì vậy không thể tăng giá điện lúc này.
“Tôi đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước cần lên tiếng trả lời việc giám sát giá điện như thế nào để người dân hiểu rõ, tránh việc tăng giá điện hai lần như trong năm 2012”, TS Doanh cho biết.
Theo Giáo dục