Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) vừa tổ chức "Hội thảo kết nối doanh nghiệp Dệt may, Da giày năm 2020" nhằm tăng cường liên kết, kết nối doanh nghiệp. Tại đây, thực trạng và giải pháp phát triển công nghiệp phụ trợ ngành may mặc được nhiều chuyên gia bàn thảo.
Ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho rằng phát triển công nghiệp hỗ trợ, từng bước tự chủ nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước là một trong những vấn đề cốt lõi để phát triển bền vững công nghiệp Việt Nam, đặc biệt là với ngành dệt may, da giày. Đây là ngành sử dụng lực lượng lớn lao động với quy mô khoảng 4,3 triệu người. Xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch quốc gia. Năm 2019, xuất khẩu dệt may, da giày đạt 62 tỷ USD, tương đương 24% tổng kim ngạch.
"Không thể phủ nhận ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam có nhiều tiến bộ, thể hiện nhiều dấu ấn quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu, tuy nhiên vẫn tồn tại những hạn chế về quy mô và năng lực cạnh tranh, chưa đủ lực để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu. Liên kết đầu – cuối trong chuỗi sản xuất vẫn chưa thực sự chặt chẽ", ông Hoàn nhìn nhận.
Nhìn từ thực tế thị trường, yêu cầu liên kết, nâng cao năng lực công nghiệp hỗ trợ là cần thiết và đối mặt với nhiều thách thức đang đặt ra. Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần May 10 cho hay, mỗi năm May 10 sản xuất 18 triệu áo sơ mi, doanh nghiệp cần 30 triệu mét vải sơ mi; 1,5 triệu bộ veston và cần 5 triệu mét vải. Do đó, việc kết nối với các công ty, nhà sản xuất cung cấp nguyên phụ trong và ngoài nước là cần thiết.
"Thực tế là có những sản phẩm cùng chủng loại nguyên phụ liệu có thể làm nhập ở Việt Nam nhưng giá cả lại cao hơn Trung Quốc, tốc độ phát triển mẫu mã và đáp ứng thị hiếu thị trường lâu hơn họ, nên chúng tôi vẫn phải nhập khẩu khoảng 60-70% nguyên liệu", ông Việt nói.
Ông Nguyễn Văn Hà, Giám đốc Công ty TNHH Dệt Phú Thọ - chuyên sản xuất kéo sợi, một trong những công đoạn đầu tiên của chuỗi cung ứng dệt may cho biết, mặc dù dệt may Việt xuất khẩu 80% song việc đưa sản phẩm thâm nhập vào thị nội địa lại gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra theo vị này, khả năng cung ứng của các doanh nghiệp sợi Việt Nam rất nhỏ, chỉ khoảng 20% nhu cầu thị trường, các khâu cuối cùng, hoàn tất sản phẩm không có. Do đó, nhà sản xuất và cung ứng cần phải có nhiều cơ hội gặp gỡ, giao lưu để kết nối để có thêm thông tin thị trường.
Để nâng cao chuỗi liên kết trong nước, thời gian qua Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp (IDC) triển khai Chương trình hỗ trợ, tư vấn cho các công ty, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phụ trợ của Việt Nam, đặc biệt là ngành dệt may, da giày. Ông Cao Văn Bình, Phó giám đốc IDC cho biết, hoạt động này hướng tới mục tiêu nâng cao năng lực doanh nghiệp sản xuất cung ứng, kết nối hiệu quả các công ty trong nước với các đơn vị có nhu cầu mua sản phẩm trong và ngoài nước.
Ở góc độ đầu tư, đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt thu hút đầu tư, kết nối kinh doanh giữa doanh nghiệp Việt Nam với các tập đoàn đa quốc gia, các công ty cung ứng trong nước, doanh nghiệp đầu chuỗi sản xuất. Doanh nghiệp phụ trợ trong nước cần tăng sức cạnh tranh và vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Đặc biệt trong năm 2020, Covid-19 làm đứt gẫy các chuỗi cung ứng đặt ra yêu cầu cho các doanh nghiệp phải tái cấu trúc theo hướng tăng tỉ lệ nội địa hóa, phân tán rủi ro. "Những thay đổi này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải tự chủ, năng động hơn trong việc tìm kiếm cơ hội tham gia vào các chuỗi cung ứng mới hình thành", đại diện ngành công thương nói.
Phạm An