Hình xăm đầu lâu xương chéo, biểu tượng thường thấy trên cờ cướp biển, được Tom Vater, đồng tác giả cuốn sách Sacred Skin: Thailand's Spirit Tattoos (Lớp da thiêng: Tinh thần những hình xăm Thái Lan) thực hiện trong một cửa tiệm xập xệ ở Oxford, Anh.
Ông bước vào tiệm xăm ốp gỗ tồi tàn này cách đây gần 40 năm để một thợ xăm mồm phì phèo điếu thuốc, không đeo găng tay châm kim lên người. Vater quyết định làm vậy bởi "tình địch" của ông khi đó đã xăm hình Quỷ Tasmania trên lưng.
Trên tường tiệm xăm có gắn biển khuyến cáo khách hàng không nên xăm khi đang say xỉn, điều mà ông chủ dường như không mấy bận tâm. Hình xăm đầu tiên năm 1986 đã tốn 5 bảng Anh của Vater.
Sau gần 40 năm, mọi thứ đã thay đổi. Vater giờ đây trở thành một nhà báo sống tại Bangkok, Thái Lan và viết cho nhiều hãng tin lớn, đồng thời là tác giả của nhiều cuốn sách về các vấn đề ở Đông Nam Á. Ông cũng nhận thấy các tiệm xăm giờ đây không còn xập xệ, tồi tàn nữa, mà sạch sẽ, bóng loáng không kém phòng khám nha khoa.
Những nghệ sĩ xăm hàng đầu có thể tính tiền công 200 USD một giờ, và ở nhiều quốc gia, hầu như địa phương nào cũng có một tiệm xăm.
Trước đây, những người xăm trổ thường bị cho là liên quan đến giang hồ, băng đảng hay bị xã hội ruồng bỏ. Song, xã hội đã dần cởi mở hơn với việc xăm mình, khi nhiều người nổi tiếng như ngôi sao bóng đá David Beckham hay nữ diễn viên Angelina Jolie xuất hiện trước công chúng với những hình xăm độc đáo.
Internet phát triển cũng đã góp phần đưa hình xăm trở nên phổ biến. Ước tính cứ ba người Mỹ thì có một người có hình xăm, theo khảo sát được Harris Poll công bố năm 2015.
Hồi tháng 3, Triển lãm Hình xăm Thái Lan lần thứ 5 diễn ra tại Bangkok đã thu hút hơn 100 nghệ sĩ xăm trên khắp thế giới. Sảnh chính ở trung tâm thương mại Central Ladprao rào rào tiếng máy xăm, chỉ lắng xuống lúc ban giám khảo trao giải cho các tác phẩm xuất sắc.
Thu hút nhiều nghệ sĩ xăm từ khắp nơi trên thế giới, triển lãm như một cú hích cho nhiều sự kiện tương tự ở nhiều thành phố trong khu vực, từ Kathmandu đến Kota Kinabalu.
Khả năng lan tỏa văn hóa xăm còn đến từ mạng xã hội. Các nghệ sĩ giờ đây có thể dễ dàng chia sẻ những tác phẩm xăm đến công chúng, thay thế các tạp chí về hình xăm được bày bán tại sạp báo cách đây một thập kỷ.
Tại triển lãm, hầu như mọi nghệ sĩ xăm đều sử dụng bút xăm không dây. Thiết bị này xuất hiện gần đây, được ví như cuộc cách mạng với ngành công nghiệp xăm. Nhiều nghệ sĩ trong giới đồng tình rằng công nghệ là động lực phía sau sự chuyển mình của ngành xăm trên toàn cầu.
Những cây bút xăm không dây được ưa chuộng do chạy êm và ít rung hơn so với những máy xăm truyền thống, đồng thời có thể chạy bằng pin. Máy xăm truyền thống nhanh, mạnh mẽ hơn, nhưng khá ồn và cần người thợ có tay nghề cao. Nhiều khách hàng cũng nhận xét rằng dùng bút xăm ít đau hơn.
RYO, nghệ sĩ xăm từ Nagoya, Nhật Bản, cho hay ông bắt đầu sử dụng bút xăm cách đây 6 năm. "Máy truyền thống cần nhiều thời gian để thay kim xăm, trong khi bút xăm được trang bị sẵn hộp mực nên rất thuận tiện", ông nói.
Tuy nhiên, mặt trái từ những tiến bộ công nghệ là việc xăm mình trở nên "quá thuận tiện".
Nghệ sĩ xăm Bacca Rex từ Hong Kong nói rằng mọi người giờ đây có thể mua bộ dụng cụ xăm và tự học, thay vì chọn những khóa học nghề như trước. "Tôi đã thấy nhiều nghệ sĩ xuất sắc nhờ tự học, nhưng những bộ dụng cụ như vậy phần nào là lý do chúng ta có nhiều hình xăm xấu xí".
Một thay đổi tích cực khác là việc nữ giới ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong ngành công nghiệp xăm, vốn trước đây bị gán mác là dành riêng cho nam giới.
"Nếu bạn xây dựng được một tiêu chuẩn công việc nhất định, bạn sẽ phát triển dù thuộc giới tính nào", Rex nói. Cô cho rằng nghệ sĩ nữ có thể đi theo một phong cách nhất định, như có những đường nét xăm mảnh mai, tinh tế hơn so với các đồng nghiệp nam.
"Ngoài ra cũng có một vài lợi thế cho nữ giới trong ngành này. Cá nhân tôi cảm thấy thoải mái hơn khi được một người nữ xăm mình", thợ xăm từ Hong Kong cho hay.
RYO chia sẻ ông đã ấn tượng với sự hưởng ứng của người hâm mộ tại triển lãm ở Thái Lan, khi khách tham gia vây kín gian hàng của các nghệ sĩ. "Thật tuyệt vời. Ở đây không có sự kỳ thị xã hội với hình xăm", ông nói.
Anh Hoàng (Theo Nikkei)