Chỉ vài tháng sau khi bắt đầu sự nghiệp với tư cách là người bán hàng phát sóng trực tiếp (livestream) hồi tháng 1, Zhang đã thực hiện hàng trăm giờ phát sóng cùng các thương hiệu như YSL.
Một ngày làm việc của Zhang thường bao gồm hơn 6 tiếng nói không ngừng trước camera, làm tóc, trang điểm và tóm tắt nội dung sau livestream. Lịch làm việc dày đặc nhưng Zhang là một trong số hàng triệu thanh niên Trung Quốc, thế hệ đối mặt tỷ lệ thất nghiệp hơn 21%, đang tìm kiếm thành công qua các nền tảng như Tmall và Taobao của Alibaba và Douyin, phiên bản nội địa của TikTok.
"Rào cản gia nhập ngành livestream rất thấp. Tôi chỉ cần mở điện thoại lên và bắt đầu phát sóng", Zhang nói ngày 15/8. "Làm thế nào trở nên nổi bật mới khó. Ngành này có tính cạnh tranh cao nhưng nếu kiên trì, bạn sẽ tiến bộ mỗi ngày. Tôi nghĩ bản thân có nổi bật hay không là vấn đề về tư duy và năng lực".
Zhang không phải người duy nhất quyết tâm biến nghề livestream thành sự nghiệp. Khảo sát trên hơn 10.000 thanh niên trên nền tảng mạng xã hội Weibo tháng trước cho thấy hơn 60% muốn trở thành người có ảnh hưởng trên Internet hoặc người dẫn livestream.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Trung Quốc iResearch, ngành công nghiệp livestream thu hút 1,23 triệu người dẫn chương trình tính đến năm 2020. Thời kỳ Covid-19 khiến ngành công nghiệp này bùng nổ, tạo ra doanh thu 480 tỷ USD ở Trung Quốc năm ngoái.
Để khiến ngành livestream chuyên nghiệp và tăng tính cạnh tranh, các công ty truyền thông mọc lên như nấm để đào tạo nghề và kết nối người dẫn với các nhãn hiệu phù hợp.
Zhang hợp tác cùng Romomo, công ty ở Thượng Hải thuộc doanh nghiệp Buy Quickly, chuyên kết nối các nhãn hàng như Lancome hay Under Armor với 150 người dẫn livestream toàn thời gian.
"Ngay nay, phát sóng trực tiếp là một trong những phương thức giao tiếp quan trọng nhất đối với các thương hiệu quốc tế mà chúng tôi hợp tác", Shinging Li, phó chủ tịch Romomo, nói. "Không chỉ giúp tăng doanh thu mà còn giúp quảng bá giá trị thương hiệu và sản phẩm theo cách cực kỳ hiệu quả".
Cách các nhãn hàng tiếp cận livestream ở Trung Quốc cũng phát triển nhanh chóng. Ban đầu họ tập trung nâng doanh số thông qua giảm giá sâu, hiện giờ họ chuyển sang tập trung vào kể chuyện hấp dẫn và thu hút người tiêu dùng trung thành.
Đối với Shi Jianing, 28 tuổi, người dẫn livestream, việc xây dựng mối quan hệ với người tiêu dùng thông qua các buổi phát sóng cho những thương hiệu như Hugo Boss là chìa khóa thành công.
"Chúng tôi giống như bạn bè với khách hàng", cô nói. "Nếu khách hàng cảm thấy có thể tương tác một cách gần gũi với bạn, điều đó sẽ xây dựng lòng tin và khách hàng sẽ muốn mua sản phẩm".
Hồng Hạnh (Theo Reuters)