Một phần trong sự hợp tác giữa hai bên là Chính phủ VN ký hợp đồng mua bản quyền sử dụng phần mềm Office cho toàn bộ hệ thống máy tính trong cơ quan Chính phủ trực thuộc Trung ương và địa phương. Hợp đồng sử dụng bản quyền phần mềm này sẽ được cung cấp bởi hai đại lý lớn của Microsoft tại VN là Tập đoàn FPT và CMC.
![]() |
Các quan chức Microsoft tại lễ ký kết hợp tác với Chính phủ VN sáng 21/5. Ảnh: Nguyễn Hà. |
"Với 60% dân số (hiện VN có khoảng 84 triệu người) ở độ tuổi dưới 30, 69% người biết đọc và viết, tốc độ tăng trưởng kinh tế lớn thứ hai châu Á, VN có điều kiện để gia nhập hàng ngũ các nước phát triển nhanh chóng từ ICT", Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Vũ Đức Đam cho biết. "Hợp tác với Microsoft cũng là để tạo một nền kinh tế tri thức tập trung cao độ vào việc xây dựng môi trường mà ở đó, các kỹ năng được đánh giá đúng và mở ra nhiều cơ hội mới".
Chris Atkinson, Tổng giám đốc Microsft Đông Nam Á, nhận định: "VN hiện có khoảng 600 nhà cung cấp phần mềm độc lập với 15.000 nhân viên. Năm 1999 chỉ là 170 công ty với 5.000 người. 3 năm tới, khi VN đã đóng góp lớn hơn cho nền kinh tế thế giới, tôi tin rằng những đầu tư hôm nay sẽ tạo ra sản phẩm tốt bởi các công ty trong nước".
Bộ Bưu chính Viễn thông cùng Microsoft vạch ra 4 lĩnh vực trọng tâm trong xây dựng nền kinh tế tri thức. Đó là sử dụng các công cụ hiệu quả đã ứng dụng trên thế giới, xây dựng hạ tầng Chính phủ điện tử và kỹ năng, kỹ thuật, thu hẹp khoảng cách số và mở rộng khai thác các doanh nghiệp phần mềm địa phương.
Bốn lĩnh vực trọng tâm của thoả thuận hợp tác nhà nước - doanh nghiệp nhằm thúc đẩy ngành CNTT-TT:
1. Tiếp cận công cụ năng suất đẳng cấp thế giới cho nhân viên làm việc tại các cơ quan Chính phủ:
Sản phẩm Office được dùng trong các cơ quan thuộc Chính phủ và địa phương. Công cụ năng suất mới, với định dạng Open XML mới, cho phép liên vận hành, nâng cao tính minh bạch, tương thích cho hàng triệu văn bản hiện tồn theo định dạng của Office và cả phần sẽ được tạo ra trong tương lai.
Điều này giúp nâng cao hiệu suất làm việc cho nhân viên thuộc khối chính phủ. Đào tạo chuyên sâu cũng sẽ được tổ chức cho nhân viên chuyên môn nhằm tối ưu hóa khả năng nâng cao hiệu quả làm việc.
2. Một kiến trúc dịch vụ chính phủ điện tử mạnh và bảo đảm:
Microsoft và Bộ Bưu chính Viễn thông sẽ thử nghiệm phát triển hạ tầng nhằm đạt những lợi ích tốt nhất cho người dân khi tương tác điện tử với Chính phủ. Từ góc độ kỹ năng và chuyên môn, sẽ có đào tạo 200 nhân viên thuộc các cơ quan chính phủ thành kỹ sư hệ thống.
3. Thu hẹp khoảng cách số cho người dân và học sinh sinh viên:
Topic64 là sự hợp tác của chính phủ VN và Microsoft nhằm đích kết thúc năm tới sẽ trang bị kỹ năng IT cho khoảng 120.000 người dân ở khu vực khó khăn. Chương trình khác là Microsoft Partners in Learning sẽ nâng cao kỹ năng cho 50.000 giáo viên, thông qua họ đào tạo IT cho khoảng 2 triệu học sinh khối phổ thông tới năm 2010.
4. Gây dựng và phát triển các doanh nghiệp phần mềm địa phương:
Báo cáo mới đây của ESCAP (một chương trình phát triển khu vực trực thuộc Liên Hiệp Quốc), VN xếp hạng gần chót châu Á về chỉ số sẵn sàng nối mạng (NRI). Microsoft và Bộ Bưu chính Viễn thông giới thiệu một loạt chương trình nhằm xây dựng ngành công nghiệp phần mềm địa phương phát triển, tận dụng lợi thế việc gia nhập WTO và đẩy mạnh khả năng sáng tạo của địa phương nhằm biến tài sản sở hữu trí tuệ phần mềm thành sản phẩm mang lại doanh thu xuất khẩu.
Trong đó bao gồm một số chương trình nhằm khơi dậy và phát huy tiềm năng của các công ty và doanh nghiệp phần mềm là: Thiết lập một quỹ phát triển ICT của Microsoft tại VN và coi đây là quỹ đầu tư thực hiện các chương trình phát triển cho toàn ngành; Hỗ trợ 20 nhà cung cấp phần mềm độc lập (ISV) phát triển sản phẩm phần mềm chất lượng cao, đáp ứng đúng nhu cầu thị trường và thương mại hóa với mục tiêu mỗi năm 20 công ty này có 1-2 dự án mới ; Thiết lập dự án giao lưu ngành công nghiệp một cộng đồng dành cho các doanh nghiệp phần mềm. Họ sẽ được khuyến khích tương tác cũng như khai thác ít nhất 12 dự án lớn mỗi năm, trong đó có khoảng 21 dự án được phát triển và thương mại hóa từ nay cho tới năm 2010. Tổ chức 200 chương trình đạo tạo ngắn hạn do các đối tác tư nhân trong ngành tài trợ thông qua cộng đồng giao lưu này.
Nguyễn Hằng - Ngọc Hà