Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, tính từ đầu năm 2012 đến nay, ngành chăn nuôi trong nước lỗ 27.000 tỷ đồng. Trong đó, chỉ nuôi bò vẫn có lãi. Trong 2 năm, có tới 20 tháng là lỗ hoặc hòa vốn, 4 tháng có lãi xen kẽ nhưng chủ yếu vào các thời điểm tết.
Ông chia sẻ với VnExpress.net về câu chuyện của ngành chăn nuôi hiện nay.
- Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng lỗ kéo dài trong ngành chăn nuôi là gì thưa ông?
- Trước tháng 3/2012, thì nhiều người chăn nuôi vẫn có lãi. Tuy nhiên, sau đó thì chuyển sang lỗ. Nguyên nhân của tình trạng này là giá bán thấp hơn giá thành, cung vượt cầu. Chúng tôi ước tính tác động của dịch bệnh đến giá cả chỉ chiếm khoảng 10%, còn lại chủ yếu là do cung vượt quá cầu.
Năm 2008, Chính phủ có chính sách ưu đãi đối với xây dựng trang trại nhằm phát triển chăn nuôi bền vững. Từ khoảng đầu năm đến cuối 2011, một số lĩnh vực chăn nuôi lãi rất cao, thậm chí giá bán gấp đôi giá thành. Chẳng hạn, giá thành thịt heo khi đó chỉ 35.000 đồng một cân nhưng giá bán lên hơn 70.000 đồng, giá thịt gà cũng có lúc lên đến 60.000 đồng đã khiến nhiều người mở rộng trang trại hoặc đầu tư xây mới.
Thời điểm này, kinh tế nói chung và thị trường bất động sản dấu hiệu đi xuống, hiệu quả đầu tư giảm. Nhiều người có tiền đổ xô đi đầu tư xây dựng trang trại theo phong trào mà không có sự nghiên cứu thị trường một cách kỹ lưỡng cũng dẫn đến tình trạng như hiện nay.
- Để xảy ra tình trạng cung vượt cầu, theo ông nguyên nhân chính là do đâu?
- Ngoài lý do đầu tư theo phong trào một cách tràn lan, hiện nay hệ thống dữ liệu của chúng ta về ngành chăn nuôi chưa cung cấp được các thông tin kịp thời để nhà đầu tư có thể tính toán việc mở rộng đàn. Ví dụ, các số liệu như tổng đàn cả nước hiện nay là bao nhiêu, số lượng dự kiến bán ra ở các thời điểm như thế nào để người dân biết mức độ cung cầu trên thị trường. Nếu giá đang rẻ đi tức là cung đã vượt cầu. Việc cung cấp thông tin hiện nay của chúng ta tiến hành không thường xuyên hoặc quá lạc hậu nên người chăn nuôi có đánh giá sai về thị trường.
Tôi lấy ví dụ, theo Tổng cục Thống kê năng suất nuôi gà đẻ của Việt Nam vẫn là 100-140 quả trứng mỗi con một năm nhưng thực tế hiện nay hơn gấp đôi con số này. Theo tính toán của Hiệp hội Chăn nuôi, sản lượng thịt gia cầm của chúng ta hiện đạt trên 2 triệu tấn một năm nhưng Tổng cục Thống kê chỉ tính có trên 800.000 tấn. Chính số liệu thống kê chưa chính xác, lại thấp hơn nhiều so với thực tế nên người chăn nuôi thấy nhu cầu thị trường vẫn thiếu, cứ đua nhau sản xuất ra nên gia cầm làm ra hai năm nay lỗ liên tục.
- Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có các cá nhân thành công với một số mô hình chăn nuôi. Vậy theo ông, trong trường hợp nào thì người chăn nuôi có lãi?
- Chúng tôi nhận thấy, những nhà sản xuất phải hoàn toàn đi mua thức ăn và con giống thì lỗ. Trong những ngày này, những người chăn nuôi gia cầm đang lỗ nặng trứng gà đang lỗ nặng khi giá thành vào khoảng 1.500 đến 1.600 nhưng giá bán 1.100 đến 1.200 đồng. Một số trang trại tự chế biến hoặc trộn thức ăn, tự sản xuất con giống thì tiết kiệm được 12-13% chi phí, có thể hòa vốn. Những trang trại có lãi là họ chủ động trong nhiều khâu từ con giống, thức ăn, đến dịch bệnh, đầu ra sản phẩm thì được đảm bảo do ký hợp đồng với doanh nghiệp...
Và tôi cũng khẳng định, không phải nuôi con gì cũng lỗ, điều quan trọng là phải có nghiên cứu thị trường. Hiện nhiều người chăn nuôi bò thịt và bò sữa vẫn có lãi tốt vì nhu cầu trong nước vẫn chưa đáp ứng đủ. Hiện nay, mỗi năm, chúng ta đang phải nhập khẩu gần 200.000 con bò thịt từ các nước và trên một tỉ USD các sản phẩm từ sữa.
- Lời khuyên của ông đối với những hộ chăn nuôi hiện nay là gì?
- Tôi cho rằng, trước mắt người chăn nuôi, đặc biệt là lợn và gà đừng vào đàn quá nhiều, chuồng trại nếu chưa nuôi thì có thể bỏ trống, việc xây dựng thêm chuồng mới cũng nên từ từ. Hiện nhu cầu sản phẩm chăn nuôi tăng trưởng rất chậm, chỉ khoảng 5% mỗi năm nên phải mất khoảng 2 năm nữa mới lấp đầy chuồng trại có sẵn.
- Theo ông, Việt Nam nên phát triển mô hình chăn nuôi như thế nào trong thời gian tới?
- Người Mỹ đã sáng tạo ra mô hình sản xuất theo chuỗi cách đây hơn nửa thế kỷ và đến nay những tập đoàn chăn nuôi thành công trên thế giới đều áp dụng nó. Với mô hình này sẽ có sự liên kết chia sẻ rủi ro và lợi nhuận giữa nhà sản xuất thức ăn, con giống, người chăn nuôi và đơn vị chế biến, giết mổ để đưa ra thị trường.
Với người chăn nuôi, việc đầu tư vào trang trại cũng là mô hình phổ biến ở các nước. Tuy nhiên, để hiệu quả, các trang trại ở Việt Nam phải nâng cao chất lượng con giống, chuyên môn hóa quá trình chăn nuôi, áp dụng phương thức quản lý hiện đại để giảm giá thành, kiểm soát dịch bệnh... Một số mô hình cụ thể tôi đã thấy họ làm tốt những điều này thì vẫn lãi cao.
Ngọc Minh