Phó giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Thị Ngọc, Nguyên trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai. |
Các thống kê cho thấy, khoảng 85% trường hợp nhiễm virus B và C chuyển thành viêm gan siêu vi mãn tính. Trong khi đó, nếu bệnh nhân được tầm soát, phát hiện, điều trị sớm và đúng cách thì nguy cơ này sẽ giảm mạnh.
Viêm gan mãn tính cùng nhiều biến chứng nguy hiểm
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Thị Ngọc, Nguyên trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai, trong số những bệnh nhân xơ gan đến khám, 50% trường hợp lần đầu phát hiện mình mắc bệnh. Nhiều trường hợp khác chỉ được nhận biết khi đã có biến chứng nghiêm trọng như: xơ gan với biểu hiện báng bụng (ổ bụng có nước), giãn mạch máu đường tiêu hóa, có thể vỡ gây chảy máu ồ ạt và tử vong.
Tại hội thảo chuyên đề "Viêm gan siêu vi B và C - Khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành lâm sàng" diễn ra hồi tháng 10, các chuyên gia nghiên cứu đầu ngành trong lĩnh vực gan mật, tiêu hóa tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á nêu lên những thách thức và khó khăn trong việc điều trị bệnh này hiện nay. Đây là hai loại bệnh phổ biến và nguy hiểm được coi như "sát thủ" thầm lặng.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, nếu sau 6 tháng không đào thải được virus, 85% trường hợp nhiễm virus C sẽ chuyển thành viêm gan C mãn tính ở bất kỳ lứa tuổi nào. Điều nguy hiểm nhất đối với người bệnh là sự tiến triển rất thầm lặng từ 10 năm đến 30 năm, vì thế bệnh nhân thường không phát hiện và điều trị kịp thời.
Điều trị đúng cách, giảm gánh nặng cho bệnh nhân và gia đình
Tại Việt Nam, dự báo có đến 40.000 trường hợp tử vong có liên quan đến viêm gan siêu vi B vào năm 2025. Đây là một thử thách rất lớn cho ngành y tế và bác sĩ lâm sàng vì việc điều trị bệnh khó khăn, nhất là khi tỷ lệ kháng thuốc có xu hướng tăng, quá trình điều trị tốn kém và lâu dài. Bệnh không chỉ gây nên gánh nặng chi phí điều trị cho người bệnh mà còn là gánh nặng tinh thần cho gia đình họ.
Viêm gan siêu vi C là bệnh có thể chữa được nếu phát hiện sớm, điều trị đúng thuốc và đúng cách. Các phương pháp mới tuy có chi phí cao nhưng tương ứng với hiệu quả điều trị. Bệnh nhân nên chọn lựa những loại thuốc đã được chứng minh hiệu quả qua nhiều nghiên cứu lâm sàng của các quốc gia trên thế giới để đạt được kết quả bền vững lâu dài, tránh tái phát.
Hiện, liệu pháp cơ bản điều trị viêm gan siêu vi C là Interferon alpha - chất tự nhiên của cơ thể, được sản xuất bởi các tế bào của hệ miễn dịch nhằm chống lại tác nhân gây bệnh. Phác đồ của PEG-interferon alpha kết hợp với Ribavirin cho kết quả cao hơn điều trị bằng Interferon kinh điển.
Phác đồ điều trị kéo dài trong 6 tháng với bệnh nhân đáp ứng nhanh và 9-12 tháng đối với người đáp ứng chậm. Việc lựa chọn các thuốc điều trị và phương pháp điều trị liên quan đến khả năng chữa lành bệnh viêm gan siêu vi C
Do bệnh này chưa có vác xin phòng bệnh như viêm gan siêu vi B, Phó giám đốc, Tiến sĩ Trịnh Thị Ngọc khuyên người dân nên phòng bệnh hơn chữa bệnh. Bệnh có thể lây qua đường máu, tình dục và từ mẹ sang con nên bạn cần phải giữ cơ thể an toàn trước những nguồn lây này.
Tầm soát bệnh: chi phí thấp, hiệu quả cao
Theo Phó giám đốc, Tiến sĩ Trịnh Thị Ngọc, một biện pháp được xem là an toàn là tầm soát bệnh viêm gan siêu vi B và C. Điều này không quá phức tạp. Khi bạn xét nghiệm máu, căn cứ vào men gan, kháng thể chống siêu vi của viêm gan, nếu có nghi ngờ, các bác sĩ sẽ tiếp tục xét nghiệm để xác định tình trạng bệnh. Chi phí cho các tiến hành này cũng tương đối thấp, chỉ mất khoảng 150.000 đồng. |
Ngọc Bích