Ngày 30/7, tổng cục Du lịch Việt Nam cùng WWF và TRAFFIC tổ chức Hội thảo về trách nhiệm của ngành du lịch trong việc bảo tồn các loài động vật hoang dã. Tại hội thảo các thông tin về nạn buôn bán ngà voi trái phép tại Việt Nam và các nước đã được chia sẻ. Theo đó Việt Nam đang nổi lên là thị trường tiêu thụ ngà voi lớn trong khu vực Đông Nam Á ngay sau khi Trung Quốc ban hành lệnh cấm bán ngà voi năm 2017.
Để hạn chế tình trạng này, bà Nguyễn Đàm Ngọc Vân, Quản lý chương trình bảo tồn voi (IWT) của WWF cho biết, cuối năm 2019 dự án ngăn chặn nạn buôn bán ngà voi trái phép tại Việt Nam và các nước trong khu vực sẽ được triển khai nhằm đóng cửa thị trường tiêu thụ ngà voi. Dự án sẽ phối hợp với tổ chức TRAFFIC, các cơ quan du lịch trong việc phát hiện các vụ buôn bán trong nước và xuyên biên giới, chấm dứt nguồn cung cấp ngà voi.
Khảo sát của WWF và Cục Kiểm lâm Đăk Lăk cho thấy, các điểm du lịch ở Buôn Mê Thuột, Bản Đôn bày bán công khai ngà voi ngày càng nhiều. Mặc dù việc buôn bán ngà voi bị cấm từ năm 1989 nhưng mỗi năm có hàng trăm vụ buôn bán ngà voi trái phép bị khởi tố. Có tới 82% lượng khách du lịch cho rằng động vật hoang dã khiến việc du lịch trở nên hấp dẫn hơn, 7% du khách quốc tế có liên quan đến buôn bán động vật hoang dã.
Giải pháp ngăn chặn tình trạng này được nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải chấm dứt nhu cầu sử dụng ngà voi của khách du lịch, vốn là một trong những nhân tố kích cầu thị trường buôn bán ngà voi bất hợp pháp.
Đồng tình quan điểm này, ông Tuấn Phạm, TGĐ công ty du lịch PEAK DMC Việt Nam cho biết các chương trình chăm sóc động vật hoang dã giúp du khách hiểu rõ và trân trọng cuộc sống của chúng luôn được công ty ông tổ chức. Công ty cũng kết hợp với các khách sạn nghiêm cấm du khách mang và tàng trữ sản phẩm từ động vật hoang dã.
Nguyễn Xuân