Tọa đàm "30 năm lan tỏa vốn FDI" do Hiệp hội Các nhà đầu tư nước ngoài tổ chức ngày 6/10. Số liệu thống kê cho thấy, sau gần 30 năm đón vốn đầu tư nước ngoài (FDI), Việt Nam đã có hơn 23.000 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký trên 300 tỷ USD. Trong đó tổng số vốn thực hiện đạt khoảng 161 tỷ USD.
Ông Lê Duy Thành - Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, sau 20 năm, đến 2016, Vĩnh Phúc đã đạt thu ngân sách 33.000 tỷ đồng, tăng 300 lần so với 30 năm trước, thu nhập bình quân 70 triệu mỗi người một năm, cao hơn mức bình quân của toàn quốc. Cùng với đó, thu nội địa của tỉnh nhiều năm chỉ đứng sau Hà Nội.
![ngan-sach-vinh-phuc-tang-300-lan-sau-30-nam-thu-hut-fdi](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2017/10/06/AP-500-1700-1507286789.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=tfYfn473kEnbvjm0dllJkQ)
Công nhân làm việc tại nhà máy Samsung ở Việt Nam. Ảnh: AP
Ông cho rằng, để có được thành công của Vĩnh Phúc là nhờ phần lớn vào các doanh nghiệp FDI. Bởi theo ông, tỷ trọng của các doanh nghiệp nước ngoài đóng góp vào xuất khẩu đạt trên 95%. Cùng với đó, sản phẩm “Made in Việt Nam” sản xuất tại Vĩnh Phúc có mặt tại 20 nước trên thế giới. Theo ông Thành, nếu như năm 1997, người đóng thuế thu nhập cá nhân ở tỉnh 100% là của người nước ngoài thì đến nay đã có 40% là của người Việt Nam.
Tại tọa đàm, ông Bang Hyun Woo - Phó tổng giám đốc Samsung Vietnam cho biết, nếu như ba năm trước, đơn vị này chỉ có 4 doanh nghiệp cung cấp (vendor) cấp 1. Con số này hiện nay đã tăng lên 25 và đến cuối năm nay là 29 doanh nghiệp. Ông cũng cho biết, ngoài các doanh nghiệp cấp một thì trong chuỗi cung ứng của Samsung thì còn rất nhiều các doanh nghiệp cấp 2, cấp 3, cung cấp sản phẩm gián tiếp, tạo nên một hệ sinh thái.
Tuy nhiên đại diện cơ quan quản lý, chuyên gia cũng chỉ ra những hạn chế trong 30 năm thu hút FDI của Việt Nam. Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc cũng chỉ ra một số hạn chế của tình trạng phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI. Theo ông, nếu địa phương cứ tiếp tục thu hút FDI thì nền kinh tế sẽ không ổn định.
"Với việc nhà đầu tư nước ngoài nộp một tỷ đồng tiền thuế, họ sẽ bỏ túi 4 tỷ đồng. Doanh nghiệp trong nước cũng vậy. Tuy nhiên, 4 tỷ của doanh nghiệp Việt sẽ vẫn ở lại Việt Nam, nhưng 4 tỷ của nhà đầu tư nước ngoài sẽ được chuyển về nước của họ", ông Thành nói.
Do đó, theo ông, nếu Việt Nam không có cách chăm sóc, có thái độ với FDI thì tính bền vững, việc cải thiện đời sống nhân dân sẽ khó khăn hơn. Vì thế, ông cho biết, Vĩnh Phúc đang có rất nhiều chính sách ưu đãi và tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước.
Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng phòng Pháp chế VCCI cho rằng ở tỉnh nào có nhiều FDI thì ở đó chất lượng chuyển biến về hành chính ở đó tốt hơn địa phương khác. Quan chức ở đó cũng chuyên nghiệp hơn, chất lượng dịch vụ công ở các tỉnh cũng tốt hơn. Ông Tuấn cho rằng đó là một trong những hiệu ứng lan tỏa tốt.
"Tôi không muốn nói nhiều về vai trò của FDI nhưng có một con số rất ám ảnh. Cách đây 10 năm thì 10 đồng xuất khẩu thì cả 10 đồng thuộc về doanh nghiệp FDI, nhưng đến nay con số này là 6 đồng", ông Tuấn nói.
Tuy nhiên, theo ông, tính lan toả giữa khối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân còn chưa tốt. "Hàng năm, chúng tôi đều có những cuộc điều tra, trong đó cho thấy, các doanh nghiệp FDI chỉ mua khoảng 26,6% thiết bị, đầu vào từ doanh nghiệp Việt, còn lại là nhập khẩu và nhập từ công ty mẹ", ông Tuấn nói.
Còn ông Lương Văn Khôi - Phó giám đốc phụ trách Trung tâm thông tin và dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia lại đặt ra một số vấn đề về chuyển giá, chuyển gia công nghệ trong việc thu hút vốn FDI. Theo ông, nghiên cứu của đơn vị này thu thập được năng suất và hiệu quả của khối FDI thấp hơn khu vực doanh nghiệp nhà nước. Chính vì thế, ông đặt vấn đề về chuyển giá khi nguồn lợi nhuận của các doanh nghiệp này được chuyển ra nước ngoài.
Cũng theo ông, ở Trung Quốc, tất cả các doanh nghiệp muốn vào quốc gia này đều buộc phải chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước và sử dụng các công ty trong nước. Ông cho rằng, Việt Nam có thể tham khảo.
Nguyễn Hà