Phiên thảo luận về ngân sách chiều 3/11 của Quốc hội chứng kiến sự quyết liệt của các đại biểu trước việc túi tiền quốc gia đang chịu nhiều áp lực.
Chia sẻ với Bộ trưởng Tài chính trước tình trạng ngân sách phải “giật gấu vá vai”, đại biểu Trần Du Lịch bày tỏ sự ủng hộ đề xuất dùng 10.000 tỷ đồng từ thoái vốn khỏi các doanh nghiệp nhà nước để bù đắp phần hụt thu ngân sách trung ương. Song, vị chuyên gia kinh tế nhấn mạnh “điều kiện” là Chính phủ phải lên một danh mục các công trình, dự án được đầu tư từ nguồn tiền này để Quốc hội giám sát. “Cần một địa chỉ cụ thể chứ không thể hòa chung vào một gói ngân sách được”, ông Lịch nêu quan điểm.
Dù không bác bỏ hay lên tiếng ủng hộ đề nghị của Chính phủ, nhưng đại biểu Trần Hoàng Ngân đặt câu hỏi: “Thoái vốn xong đem đi đâu, đầu tư chỗ nào, liệu có hiệu quả không? Với cơ chế phân bổ vốn như hiện nay, thì coi chừng không còn nguồn thu này trong tương lai”, ông Ngân lo ngại.
Trong khi đó, câu chuyện tăng lương hay không vẫn là đề tài gây nhiều ý kiến trái chiều dù Chính phủ đã xin phép Quốc hội tới tháng 3 năm sau mới trình phương án.
Theo Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Đặng Ngọc Tùng, bằng mọi cách ngân sách 2016 phải có lộ trình tăng lương. Đại biểu đoàn Đồng Nai cho rằng, lương cần tăng tối thiểu 5%, nếu không được từ đầu năm thì lùi lại muộn nhất là từ giữa năm. “Nếu không tăng lương cho công chức thì nguy cơ họ lại gây khó dễ cho doanh nghiệp để đòi bôi trơn”, ông Tùng lo ngại.
“Tăng lương là cần thiết nhưng không thể đi vay để chi cho lương được”, đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu) phản bác ngay sau đó và ông ủng hộ phương án Chính phủ báo cáo lại Quốc hội vào kỳ họp tháng 3 năm sau.
Theo đại biểu Trần Du Lịch, với cơ cấu chi hiện nay thì không thể tìm được nguồn để chi tăng lương. “Thật tình không biết cắt từ nguồn nào để cho nguồn nào”, ông Lịch nói.
Câu chuyện túi tiền ngân sách khó khăn cũng thể hiện ở đề xuất phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế và đa dạng hóa các kỳ hạn trái phiếu trong nước. Ủng hộ đề nghị này, ông Trần Du Lịch nói rằng đây là cơ hội để Việt Nam cơ cấu lại nợ vay theo hướng dài hơi hơn, có thêm nguồn ngoại tệ cũng như là dịp để nhìn nhận lại độ tín nhiệm của Chính phủ với các định chế tài chính.
Chung quan điểm, ông Đặng Ngọc Tùng nhận định lãi suất trái phiếu Chính phủ ngày một rẻ so với trước là bằng chứng cho thấy uy tín của Việt Nam đang lên.
Tuy nhiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Nguyễn Đức Kiên lại phản bác: “Đại biểu nào nói phát hành trái phiếu quốc tế rẻ hơn thì cần cân nhắc lại”
Dẫn số liệu từ Chính phủ cho biết với lãi suất 6%, cộng chi phí phát hành, thêm biên độ tỷ giá đã tăng hơn 6.200 đồng mỗi USD trong vòng 6 năm qua, ông Kiên cho rằng lãi suất chưa chắc đã rẻ hơn so với trái phiếu trong nước.
Đại biểu thuộc đoàn Sóc Trăng còn cảnh báo, Luật Quản lý nợ công và Nghị quyết 78 của Quốc hội không cho phép phát hành trái phiếu quốc tế để đảo nợ trong nước. Vì vậy, “các đại biểu cần xem lại các văn bản mà mình đã thông qua trước khi ấn nút tán thành chủ trương này”.
Trước những băn khoăn được nêu, Phó chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, các đại biểu mới chỉ ủng hộ về chủ trương. Còn một khi ấn nút thông qua thì Quốc hội cũng sẽ có nghị quyết để xử lý các vướng mắc pháp lý. “Đây là điều Quốc hội đã từng làm”, bà Ngân nói.
Chí Hiếu