TS Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị - Đại học Ngân hàng TP HCM cho rằng dù mức lãi suất cho vay đối với các khoản vay cũ được đưa về 15%, nhưng trong bối cảnh hiện nay ngân hàng và doanh nghiệp vẫn khó tìm được tiếng nói chung.
Trong bối cảnh môi trường kinh doanh khó khăn như hiện nay, nhiều doanh nghiệp sẽ không đáp ứng đủ điều kiện và tiêu chí cho vay. Ví dụ như nợ quá hạn, thiếu tài sản thế chấp, hoặc giá trị tài sản thế chấp, do bất động sản đang mất giá... Vì vậy, nếu để các ngân hàng thương mại tự xem xét, đánh giá thì đa số doanh nghiệp không đủ điều kiện để vay. Đó là chưa kể việc hạ lãi suất về 15%/năm theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, vô hình trung có thể làm nảy sinh thêm nhiều tiêu cực vì cơ chế gần như kiểu xin - cho.
Thực tế hiện nay, doanh nghiệp muốn được cứu, nhưng ngân hàng cũng không muốn chết theo doanh nghiệp. Không phải tự nhiên Ngân hàng Nhà nước tổ chức hẳn cuộc họp báo về nợ xấu ngân hàng - điều chưa từng xảy ra trong suốt lịch sử hơn 60 năm của ngành ngân hàng. Nợ xấu đang chiếm 8,6% (khoảng 2,6 triệu tỷ đồng) tổng dư nợ toàn hệ thống. Trong chúng ta, không ai dám chắc con số này sẽ dừng ở đây, nếu không muốn nói là sẽ còn nhiều hơn. Việc Ngân hàng Nhà nước công khai nợ xấu, cũng là tìm đồng minh, tìm sự ủng hộ trong chính sách xử lý nợ xấu sắp tới.
Bản thân các ngân hàng thương mại biết rõ nhất nợ xấu của họ đang ở mức nào, sẽ tăng đến đâu. Đây chính là lý do khiến họ không muốn cho vay đối với những doanh nghiệp đang đối mặt với nguy cơ phá sản. Nguồn thu chính của ngân hàng là từ tín dụng. Bản thân các ngân hàng rất muốn tăng cung tín dụng, doanh thu và tăng lợi nhuận. Nhưng trong bối cảnh môi trường kinh doanh nhiều khó khăn cộng với chính sách liên tục thay đổi, sẽ là mạo hiểm nếu ngân hàng cứ mạnh tay cho doanh nghiệp vay tiền. Theo tôi, đây chính là lý do khiến nhiều ngân hàng chỉ giảm lãi suất và cho vay có chọn lọc.
Một lãnh đạo Techcombank từng tuyên bố "Căn cứ trên hệ thống xếp hạng tín nhiệm khách hàng và tình hình sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp, theo đó Techcombank chỉ tập trung ưu tiên giảm lãi suất cho vay các khách hàng thân thiết...". Như vậy, có thể tạm chia doanh nghiệp - những người đã, sắp vay vốn ngân hàng thành các nhóm. Nhóm 1 là khách hàng thân thiết - được hưởng tối đa những ưu đãi của ngân hàng.
Nhóm 2 là khách hàng đang có quan hệ tín dụng, có khả năng trả nợ, được giảm lãi suất theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước và xem xét cho vay mới tùy theo điều kiện của ngân hàng. Nhóm 3 là khách hàng chấp nhận được mức lãi suất cho vay cao (thường ngân hàng chỉ cho vay ngắn hạn với đánh giá sát sao về độ rủi ro). Và nhóm 4 là khách hàng để "cho chết" hoặc ngân hàng không muốn mạo hiểm cho vay. Tùy từng điều kiện, chủ trương của mình, các ngân hàng thương mại sẽ điều chỉnh tỷ lệ dư nợ cho vay của các nhóm khách hàng để đảm bảo “an toàn rồi mới hiệu quả”.
Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội đã từng lên tiếng, mặc dù khoản vay cũ đã được giảm về 15% một năm như "lệnh" của Thống đốc, nhưng việc vay vốn hiện không dễ. Nguyên nhân không phải do ngân hàng đưa ra điều kiện quá cao mà là doanh nghiệp không còn khả năng đáp ứng những điều kiện đó nữa vì tình trạng quá khó khăn. Nếu tôi làm giám đốc ngân hàngchắc bản thân cũng không dám cho vay.
Vì sao lại có sự phân nhóm trên, theo tôi chính là sự minh bạch thông tin. Tại sao Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tổ chức tín dụng đưa lãi suất cho vay về mức 15%/năm? Nếu xét trên mức lãi suất huy động phổ biến hiện nay là 9%/năm, cộng thêm các chi phí vốn khác (2%) thì mức lãi suất cho vay 15% vẫn là cao. Theo tôi mức chênh lệch lãi suất đầu vào - ra ở mức 2 đến 2,5%/năm là hợp lý.
Nhưng thực tế, chi phí lãi suất đầu vào của một số ngân hàng hiện không ở mức 11%/năm do phải thực hiện các chiêu thức cạnh tranh trong huy động vốn. Mặt khác, với môi trường kinh doanh khó khăn, chính sách lại liên tục thay đổi, việc giãn rộng biên độ lãi suất là hợp lý. Vì thế, có khách hàng được vay với lãi suất chỉ 12%/năm, nhưng có khách hàng phải vay đến 18%/năm.
Mức chênh lệch quá lớn về lãi suất cho vay giữa các nhóm khách hàng chính là vấn đề gây nhiều tranh cãi trong nội bộ các ngân hàng thương mại hiện nay. Và ngân hàng thương mại cũng sẽ khó giải trình với Ngân hàng Nhà nước nguyên nhân thực tế của việc chi phí vốn cao (như vậy là tự thú việc không chấp hành quy định về huy động vốn của Ngân hàng Nhà nước) dẫn đến số khách hàng được giảm lãi suất về 15% còn khiêm tốn.
Thực tế, ngân hàng rất muốn cho doanh nghiệp vay, nhưng họ rất sợ rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay. Các doanh nghiệp có đặc điểm chung là thường có quy mô nhỏ, hoạt động chủ yếu nhờ vốn vay. Hệ thống sổ sách kế toán không minh bạch. Chính điều này cũng lý giải vì sao ngân hàng sợ cho vay… Từ những quan ngại trên đã lý giải vì sao các doanh nghiệp khó tiếp cận với những khoản vay rẻ dưới 15% và ngân hàng thì không muốn cho doanh nghiệp vay sợ nợ xấu...
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính chung 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống chỉ đạt 0,76%, tính cả giấy tờ có giá đạt khoảng 1,4% là rất thấp so với mục tiêu kế hoạch đề ra khoảng 15%.
Trong những tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước đang theo dõi sát tình hình tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống, đảm bảo tăng trưởng tín dụng nhưng đi đôi với an toàn hệ thống và từng tổ chức tín dụng. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo các ngân hàng tập trung vốn cho vay các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ… Qua đó, kiểm soát tỷ trọng dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực không khuyến khích so với tổng dư nợ cho vay, phấn đấu trong 6 tháng cuối năm đạt mức tăng trưởng tín dụng 8 - 10%. Tuy nhiên với những dự tính trên tôi cho rằng cả ngân hàng và doanh nghiệp đều khó gặp nhau, doanh nghiệp không vay được vốn rẻ còn ngân hàng khó đạt được chỉ tiêu tín dụng đề ra…
(Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp)