Bảo hiểm liên kết ngân hàng (Bancassurance) đang ngày càng phổ biến, thậm chí trở thành kênh phân phối bảo hiểm chính ở nhiều nơi trên thế giới. Điều này là do mức thu nhập xã hội ngày càng cao, việc triển khai trả lương qua thẻ, điều kiện hạ tầng công nghệ, trình độ nhận thức của cả người dân về ngân hàng và ngành bảo hiểm được nâng lên. Theo đánh giá của các chuyên gia, bancassurance đang bổ sung căn bản cho phương thức cung cấp dịch vụ bảo hiểm truyền thống qua kênh đại lý và bán trực tiếp. Là người có kinh nghiệm nhiều năm tại vị trí cấp cao, ông Lyndon Oliver có những chia sẻ sâu hơn về bức tranh chung của ngành bảo hiểm.
- Trên cương vị là Chủ tịch MetLife tại khu vực châu Á, ông đánh giá như thế nào về sự phát triển của thị trường bảo hiểm châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng trong giai đoạn này?
- Khu vực châu Á hiện nay chiếm khoảng 25% tổng doanh thu của MetLife. Hoạt động kinh doanh của MetLife tại Châu Á rất đa dạng, nhất tại Nhật Bản và Hàn Quốc đang phát triển nhanh. Trong vài thập kỷ qua, chúng tôi đã mở rộng sang Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Nepal, Việt Nam, Australia... Đây đều là những thị trường đang phát triển và có nhiều tiềm năng. Vì vậy, sự tăng trưởng trong tương lai và tiềm năng dài hạn của MetLife sẽ đến từ tất cả các thị trường này.
Việt Nam nói riêng là một thị trường đang có tốc độ phát triển rất nhanh với dân số trẻ và tỷ lệ người dân có bảo hiểm vẫn còn thấp. Vì vậy, chúng tôi nghĩ Việt Nam là thị trường rất tiềm năng.
- Lạm phát là một vấn đề nóng ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực kinh tế trên toàn cầu. Vậy, lạm phát ảnh hưởng như thế nào đến ngành bảo hiểm, thưa ông?
- Lạm phát là một thách thức lớn, ảnh hưởng đến chúng ta theo hai cách. Đầu tiên là tác động khiến giá cả leo thang và tiếp theo là ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, các công ty bảo hiểm là chuyên gia trong việc quản lý hoạt động trong các môi trường lãi suất khác nhau. Chúng tôi có thể vừa đảm bảo thực hiện những cam kết dài hạn liên quan đến sản phẩm của mình thông qua việc đầu tư tài sản phù hợp.
Điều đó mang lại cho chúng tôi lợi thế bất kể lãi suất là bao nhiêu, dù lãi suất thấp hay cao. Nhưng về lâu dài, khi lãi suất tăng lên, nó rất có lợi cho các công ty bảo hiểm vì chúng tôi có thể đầu tư với lãi suất cao hơn để mang lại lợi nhuận lớn hơn cho khách hàng.
Do đó, lạm phát có tác động ngắn hạn khiến chi phí tăng và các thách thức khác, nhưng lạm phát làm cho triển vọng dài hạn của các công ty bảo hiểm thuận lợi hơn.
- Theo một báo cáo gần đây, chỉ 11% dân số Việt Nam có bảo hiểm nhân thọ. Con số này dự kiến tăng 15% vào năm 2025. Theo ông, điều gì khiến Việt Nam trở thành một thị trường quan trọng của MetLife?
- Những con số này rất chính xác. Tỷ lệ người dân mua bảo hiểm đang ngày càng tăng khi nền kinh tế phát triển. Điều đó mang lại cho chúng tôi cơ hội lớn. Đây không chỉ là cơ hội mở rộng thị trường, còn giúp các công ty bảo hiểm thâm nhập sâu hơn vào thị trường đó. Xét về mặt dân số, đây là một điều kiện thuận lợi cho Việt Nam. Nhìn chung, tôi rất vui mừng vì cơ hội mà Việt Nam mang lại.
- Chiến lược của BIDV MetLife thời gian tới tại Việt Nam thế nào, thưa ông?
- Chúng tôi là một doanh nghiệp có tiềm năng phát triển tốt. Tôi hài lòng với kết quả hoạt động kinh doanh đạt được. Hiện tại, BIDV MetLife phải phát triển để mở rộng quy mô bằng hai cách. Đầu tiên, chúng tôi có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với BIDV - một ngân hàng lớn với rất nhiều điểm giao dịch trên toàn quốc nên sẽ đem lại cho MetLife cơ hội phát triển quy mô. Thứ hai, chúng tôi đang xây dựng kênh đại lý có thể tiếp xúc trực tiếp với khách hàng.
BIDV MetLife đang có khoảng 600 đại lý và sẽ mở rộng lên hàng nghìn đại lý trong vài năm tới. Với các kênh phân phối đa dạng, chúng tôi có thể tối đa hóa tiềm năng và phạm vi tiếp cận tại Việt Nam.
Sự năng động của thị trường Việt Nam là một yếu tố rất thuận lợi, có thể kể đến: dân số ngày càng tăng, kinh tế ngày phát triển. Trong đó, tầng lớp trung lưu đang bắt đầu nghĩ đến nhu cầu bảo vệ lâu dài, tiết kiệm và tích lũy cho tương lai. Những động lực này khiến Việt Nam trở thành một thị trường đầy tiềm năng và tôi tin với nền tảng, đội ngũ nhân sự hiện có, các sản phẩm của BIDV MetLife sẽ thực sự nắm bắt được cơ hội của thị trường Việt Nam mang lại.
- Như ông đã chia sẻ, nhân sự đóng vai trò rất quan trọng với các doanh nghiệp bảo hiểm. BIDV MetLife đã đào tạo nguồn nhân lực thế nào để đạt chuẩn chuyên môn toàn cầu?
- Con người là trung tâm của mọi thứ nên chúng tôi dành nhiều thời gian đầu tư vào đội ngũ nhân sự. Bằng chứng là MetLife vừa giành được giải thưởng là một trong những công ty đáng ngưỡng mộ nhất thế giới. Trước hết, chúng tôi có mối quan hệ hợp tác với BIDV, từ đó thu hút được nhiều nhân tài. MetLife cũng là một công ty đa quốc gia, nhân viên ở đây được đào tạo bài bản, cân bằng giữa tính quốc gia và quốc tế. Chúng tôi có các nền tảng như MyLearning, cho phép cán bộ, công nhân viên truy cập và hoàn thành nhiều khóa học trực tuyến với các chủ đề khác nhau. Hiện nay, MetLife cũng có nền tảng MyPath giúp công ty khai thác được những tài năng tiềm ẩn. Tôi rất tự hào về nền tảng này và đã giới thiệu thành công ở Mỹ. MetLife sẽ ra mắt nền tảng này sớm ở Việt Nam. Việc xây dựng kỹ năng và đầu tư cho con người là một trong những ưu tiên hàng đầu của chúng tôi.
- Bancassurance ngày càng trở nên phổ biến, thậm chí ở nhiều nơi, nó đã trở thành một trong những kênh phân phối bảo hiểm chính. Bên cạnh những lợi ích, hình thức này có thể khiến xảy ra xung đột lợi ích giữa các sản phẩm khác của kênh ngân hàng và chính sách bảo hiểm. Ông có giải pháp gì để khắc phục nhược điểm này?
- Tôi không nghĩ có sự xung đột lợi ích ở đây, trái lại nó bổ sung cho nhau. Chúng tôi có nhiều mối quan hệ với các ngân hàng trên khắp thế giới và thành lập các liên doanh ở Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia, Mỹ Latin, châu Âu, Trung Đông... không có vấn đề gì. Các ngân hàng tạo dựng uy tín với khách hàng và chúng tôi cung cấp sản phẩm họ không có. Do đó, chúng tôi chấp nhận các rủi ro bảo lãnh phát hành như rủi ro bảo hiểm nhân thọ và rủi ro đầu tư. Đó là một sản phẩm bổ sung rất tốt cho danh mục các sản phẩm và dịch vụ của ngân hàng. Trong khi đó, khách hàng lại có thể lựa chọn đa dạng hơn, không mâu thuẫn với các sản phẩm khác của ngân hàng. Tôi nghĩ đó là một sự kết hợp tốt giữa hai bên và không xảy ra xung đột lợi ích
- Sau đại dịch, nhiều doanh nghiệp đang đánh giá lại ưu tiên của mình tại các thị trường họ tham gia phát triển kinh doanh, khách hàng cũng đang thay đổi nhu cầu tiêu cùng. Theo ông, các doanh nghiệp bảo hiểm cần làm gì để thích ứng?
- Đại dịch đã thực sự làm thay đổi nhu cầu của khách hàng. Trước đây khách hàng chỉ muốn được giao tiếp trực tiếp, và giờ đây, chúng ta thấy họ dần thay đổi sang hình thức trực tuyến. Từ đó, chuyển đổi số trở thành cốt lõi cho tất cả hình thức giao dịch, không chỉ diễn ra ở phía khách hàng, còn ở phía đại lý bảo hiểm. Tại MetLife, chúng tôi có nền tảng Sức khỏe 360 - một giải pháp toàn diện liên quan đến sức khỏe. Tại đây, khách hàng có thể khám sức khỏe, tham vấn ý kiến của bác sỹ từ xa, tìm kiếm các lời khuyên... Chúng tôi đang triển khai nền tảng này trên toàn châu Á và sắp tới sẽ triển khai tại thị trường Việt Nam. Nếu nhìn vào bức tranh sau đại dịch cũng như xu hướng của ngành bảo hiểm, chúng ta sẽ thấy người tiêu dùng không tìm kiếm một giải pháp đơn lẻ, họ cần một hệ sinh thái tổng thể để giải quyết nhiều vấn đề.
- Vậy, ông dự đoán mô hình kinh doanh bảo hiểm nào sẽ trở thành xu hướng trong 5 năm tới?
- Từ tác động của đại dịch Covid-19, tôi dự đoán xu hướng trong tương lai của ngành bảo hiểm sẽ liên quan đến chuyển đổi số. Theo tôi, người dân đang bắt đầu tìm kiếm các dịch vụ trực tuyến và số hóa sẽ tăng tốc trong thời gian tới. Khu vực châu Á có tỷ lệ chuyển đổi số cao hơn nhiều so với phần còn lại của thế giới, thực tế là châu Á đang đi trước. Tuy nhiên, bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm nói chung là nơi cung cấp các sản phẩm tư vấn, nghĩa là khách hàng cần tư vấn viên. Vì vậy, vai trò của chuyên viên tư vấn bảo hiểm vẫn quan trọng, nhưng sẽ diễn ra qua hình thức trực tuyến ngày càng nhiều hơn.
Nội dung: Thanh Thư - Ngọc Diễm - Thiết kế: Hằng Trịnh