Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 29/7 bày tỏ lo ngại về tác động của khủng hoảng với người dân Sri Lanka nhưng chưa sẵn sàng cấp thêm tiền cho đến khi chính phủ thực hiện cải cách cần thiết.
"Cho đến khi đưa ra được khuôn khổ chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp, Ngân hàng Thế giới không có kế hoạch cung cấp thêm tài chính cho Sri Lanka", WB tuyên bố. "Để làm được điều này, đòi hỏi cải cách cơ cấu triệt để, tập trung ổn định kinh tế và giải quyết tận gốc cơ cấu là nguyên nhân gây khủng hoảng".
WB cho hay đã chuyển 160 triệu USD cho Sri Lanka từ các khoản đang vay để mua thuốc men, khí đốt và thức ăn cho học sinh.
Ngoài WB, Sri Lanka còn đàm phán gói cứu trợ với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhưng quá trình này có thể mất nhiều tháng. Quốc đảo Nam Á đang lâm vào cuộc khủng hoảng chưa từng có, khi vỡ nợ và cạn nguồn ngoại hối nhập khẩu nhiên liệu, thuốc men, nhu yếu phẩm.
Theo dữ liệu CPI công bố ngày 29/7, lạm phát ở Sri Lanka tăng lên 60,7% trong tháng 7, lập mốc mới trong 10 tháng liên tục, trong khi đồng rupee mất giá một nửa so với USD.
Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc ước tính cứ 6 hộ gia đình tại Sri Lanka thì 5 hộ phải mua thực phẩm kém chất lượng, ăn ít hơn, thậm chí là bỏ bữa.
Khủng hoảng kéo dài khiến người dân phẫn nộ. Hàng chục nghìn người xông vào dinh tổng thống hồi đầu tháng 7, buộc ông Gotabaya Rajapaksa chạy trốn sang Singapore và nộp đơn từ chức.
Thủ tướng Ranil Wickremesinghe được bầu làm người kế nhiệm, đã ban bố tình trạng khẩn cấp và cam kết xử lý cứng rắn người "gây rối". Một số nhà hoạt động biểu tình bị bắt trong tuần này.
Hồng Hạnh (Theo AFP)