Theo báo cáo mới công bố này, mẫu thịt lợn lấy tại Hà Nội và TP HCM được xét nghiệm khuẩn, kết quả 30-40% mẫu nhiễm khuẩn salmonella do lò mổ cùng hệ thống bảo quản thiếu chất lượng. 80% thịt lợn bày bán ở những khu chợ bán đồ tươi sống và 76% được giết mổ tại các cơ sở nhỏ, mất vệ sinh.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng tránh Dịch bệnh Mỹ (CDC), salmonella được nhà khoa học Mỹ Salmon phát hiện và đã gây ra bệnh tật cho nhân loại suốt 125 năm nay. Hầu hết người nhiễm khuẩn salmonella xuất hiện triệu chứng tiêu chảy, sốt và đau bụng từ 12 đến 72 giờ sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh. Các triệu chứng kéo dài 4-7 ngày, bệnh nhân thường tự khỏi mà không cần can thiệp y tế. Một số trường hợp tiêu chảy nặng cần nhập viện do vi khuẩn lan từ ruột vào máu hoặc các bộ phận khác của cơ thể. Lúc này, nếu không chữa trị kịp thời bằng thuốc kháng sinh, bệnh nhân có nguy cơ tử vong.
Salmonella chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em (đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi), người già hoặc người miễn dịch yếu. Gần như mọi bệnh nhân nhiễm salmonella đều phục hồi hoàn toàn, tuy nhiên thời gian để thói quen đại tiện trở lại bình thường đôi khi lên tới vài tháng. Ở số ít, salmonella dẫn tới phản ứng viêm khớp, có thể trở thành viêm khớp mạn tính.
Vì chưa sản xuất được văcxin salmonella, CDC khuyến cáo cách hữu hiệu nhất để phòng chống loại khuẩn này là nấu kỹ thịt gia cầm, gia súc, trứng; không sử dụng các món có trứng sống hoặc sữa chưa qua tiệt trùng. Rửa tay sạch sẽ và vệ sinh bề mặt cũng như dụng cụ nhà bếp với nước xà phòng ngay sau khi tiếp xúc với thịt sống.
Hàng năm, Việt Nam xảy ra khoảng 168 ca ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, nguyên nhân phần lớn do thức ăn nhiễm khuẩn salmonella và E.coli. Số tiền dành để cải thiện vệ sinh an toàn thực phẩm lên tới 13 triệu USD, song có lẽ còn lâu nữa người dân Việt Nam mới được tận hưởng những bữa ăn mà không cần lo lắng.
Minh Nguyên