Tại hội nghị gỡ khó cho doanh nghiệp của ngành ngân hàng sáng 2/3, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, đến nay, ít nhất 926.000 tỷ đồng dư nợ của 23 ngân hàng bị ảnh hưởng bởi nCoV (chiếm hơn 11% dư nợ toàn hệ thống).
Trong đó, một số ngành có khả năng chịu ảnh hưởng lớn như nông, lâm nghiệp và thủy sản, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, dịch vụ lưu trú, ăn uống, thực phẩm, đồ uống, vận tải, dệt may, da giầy, điện tử, điện lạnh, dầu khí, du lịch, giáo dục...
Tính đến nay, các ngân hàng đã hỗ trợ hơn 44.000 khách hàng với dư nợ khoảng 222.000 tỷ đồng bằng cách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay các khoản nợ hiện hữu, giảm lãi các vay các khoản cho vay mới, miễn giảm các loại phí, triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng hỗ trợ.
Gần 30 ngân hàng cùng với Napas cũng đã miễn, giảm phí chuyển tiền nhằm khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế lây lan dịch bệnh.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú yêu cầu các ngân hàng tiếp tục cải cách hành chính, tăng khả năng vay vốn cho khách hàng, tạo điều kiện cho vay thanh toán thuận tiện, phát triển các dịch vụ thanh toán trực tuyến...
Các ngân hàng cũng phải có phương án phân định loại nợ, xác định nợ, đánh giá nguy cơ nợ xấu tiềm ẩn, hoãn, giãn, tái cơ cấu thời hạn trả nợ, hỗ trợ doanh nghiệp ở tình thế khó khăn và trích lập lãi dự thu...
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước sắp tới sẽ ban hành gấp Thông tư hướng dẫn ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Quỳnh Trang