Ông Bùi Quang Cương, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Công nghệ Thông tin của TPBank cho biết, ngân hàng đã làm việc với một số đối tác công nghệ trên thế giới, nhưng lại quyết định tự xây dựng nền tảng TPBank Biz để phù hợp với khách hàng và thị trường trong nước.
"Nếu thuê đối tác bên ngoài xây dựng nền tảng, sản phẩm sẽ không có sự khác biệt, dễ bị sao chép và cũng sẽ phát sinh nhiều chi phí tùy chỉnh thay đổi luồng nghiệp vụ để phù hợp với đặc thù của TPBank", ông Cương chia sẻ.
Trong khi đó, nếu tự xây dựng, TPBank sẽ có lợi thế trong quá trình bảo trì, vận hành, nâng cấp, chủ động trong việc phát triển, mang lại một sản phẩm gần gũi hơn với doanh nghiệp Việt Nam.
11 tháng từ khi có quyết định xây dựng hệ thống, TPBank Biz được trình làng. Trong tháng đầu tiên ra mắt, TPBank Biz giúp tăng số lượng giao dịch trên 20%, tăng trưởng users lên hơn 50%, số lượng CIF mở mới tăng lên hơn 20%. Ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng hàng năm cho TPBank Biz là 100% số lượng CIF mở mới, doanh số tăng 50% trên kênh số.
Chia sẻ về những thách thức trong quá trình xây dựng nền tảng ngân hàng số này, ông Bùi Quang Cương cho biết đã tập trung nhiều vào nghiên cứu các yêu cầu của doanh nghiệp khi giao dịch và trải nghiệm người dùng.
Ngoài ra, về mặt công nghệ, TPBank đã đầu tư nhiều vào R&D có thể cấu trúc lên nền tảng có thể đáp ứng được lượng giao dịch lớn, hoạt động với hiệu năng được tối ưu nhất và đáp ứng xử lý nhanh nhất (tăng lên 50% so với hệ thống cũ), nhiều tiện ích công nghệ.
"Nền tảng ngân hàng số dành cho khách hàng doanh nghiệp là một bài toán khó và phức tạp. Ở đó, cần sự đầu tư đủ mạnh, xây dựng được chuỗi giá trị xung quanh việc số hóa, tạo sản phẩm - dịch vụ và gia tăng giá trị cho khách hàng dựa trên công nghệ", Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Công nghệ Thông tin của TPBank chia sẻ thêm.
TPBank Biz có các tính năng của một ngân hàng truyền thống vận hành 24/7, được xây dựng trên nền tảng module hóa với các công nghệ như Microservices, Containers... Nền tảng này cho phép tối ưu tới 50% thời gian xử lý, đồng thời tăng tính ổn định lên gấp 10 lần so với các phiên bản trước đó. TPBank Biz cũng ứng dụng Open API - phương thức liên kết các ứng dụng của doanh nghiệp với ứng dụng của ngân hàng để trao đổi dữ liệu trong giao dịch ngân hàng điện tử.
Loạt công nghệ cũng được vào TPBank Biz để giảm tải, hỗ trợ việc chăm sóc khách hàng. Đơn cử như trợ lý ảo có thể phục vụ 24/7 hàng trăm khách hàng cùng lúc; khách hàng có thể thực hiện các lệnh thanh toán, chuyển tiền định kỳ, chuyển/nhận tiền qua số điện thoại...
Nền tảng này còn sở hữu hệ sinh thái kỹ thuật số với hơn 30 đối tác gồm: fintechs, thương mại điện tử, nhà cung cấp hóa đơn hoặc dịch vụ thanh toán... nhằm đa dạng tiện ích cho người dùng
TPBank Biz được định hướng là sản phẩm mũi nhọn của TPBank trong việc số hóa các giao dịch ngân hàng của các khách hàng doanh nghiệp. Nhà băng này cũng nỗ lực cam kết không ngừng đổi mới để cung cấp những giải pháp sáng tạo tới khách hàng.
An Nhiên