Thông tin trên được Thống đốc Nguyễn Văn Bình đưa ra trong báo cáo dài 13 trang trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, thứ 4 của Quốc hội. Riêng về thị trường vàng, trước đó Thống đốc đã có báo cáo giải trình gửi Quốc hội nên nội dung trên không được đề cập trong bản báo cáo này.
![thongdoc-hh[1322071706].jpg](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2013/06/10/thongdoc-hh-1370835798.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=9b3G-oyNkAoDdig995xZLg)
Xử lý nợ xấu trong hơn một năm qua luôn là bài toán khiến ngành ngân hàng đau đầu và bản thân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng không ít lần phải trả lời, giải trình trước Quốc hội. Lần này trong bản báo cáo, ông Nguyễn Văn Bình nhận xét nợ xấu lớn, chi phí dự phòng rủi ro tăng mạnh là nguyên nhân quan trọng làm giảm kết quả kinh doanh cũng như ảnh hưởng đến sự an toàn tài chính của các ngân hàng. Theo đó, lợi nhuận ngành ngân hàng trong năm 2012 chỉ bằng 40% của năm 2011.
Theo Thống đốc, 4 tháng đầu năm, lợi nhuận của toàn ngành đạt 13.100 tỷ đồng, trong đó nhiều đơn vị thậm chí còn có lợi nhuận âm. Kết quả kinh doanh thực tế còn thấp hơn nhiều vì việc thực hiện Quyết định 780 về cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp đã giúp các ngân hàng giảm đáng kể mức độ trích lập dự phòng rủi ro. "Nếu không thực hiện Quyết định 780, các tổ chức tín dụng sẽ phải trích lập thêm 14.400 tỷ đồng, khi đó toàn hệ thống sẽ âm 1.300 tỷ đồng", ông Nguyễn Văn Bình phân tích.
Trong số 104 tổ chức tín dụng có lãi thì 20 đơn vị lợi nhuận giảm so với cùng kỳ năm trước. Các chỉ số phản ánh hiệu quả kinh doanh ROA (lợi nhuận trên tài sản Có) và ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) tương ứng đạt 0,25% và 2,64%. Nếu so sánh với 20 nhóm ngành kinh tế của Việt Nam (được tính toán từ các công ty niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán) thì ROA của ngành ngân hàng chỉ xếp thứ 20/20 còn ROE xếp thứ 11/20.
Đến cuối tháng 4/2013, số dư dự phòng rủi ro đã trích lập chưa sử dụng đạt 73.600 tỷ đồng, tăng 14,6% so với cuối năm 2012. Nhờ nguồn vốn này, phần nào nợ xấu đã được xử lý. Theo báo cáo của Thống đốc, từ đầu năm 2012 đến 4 tháng đầu năm 2013, các ngân hàng đã xử lý được 76.700 tỷ đồng nợ xấu từ nguồn dự phòng rủi ro.
Tổng số dư nợ xấu toàn hệ thống là 137.100 tỷ đồng, tăng 15,8% so với cuối năm 2012. 4 tháng đầu năm 2012 nợ xấu tăng 36,2%, bình quân mỗi tháng nợ xấu tăng 3,94%. So với tốc độ tăng 9% một tháng của cùng kỳ năm 2012, đà tăng cùa nợ xấu đã được kiềm chế. Tuy nhiên, Thống đốc vẫn chưa hài lòng với kết quả này bởi dư nợ tín dụng tăng trưởng chậm thời gian quađã khiến tỷ lệ nợ xấu vẫn tăng thêm. Theo đó, đến cuối tháng 4/2013, tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ tín dụng là 4,67%, tăng so với mức 4,08% của cuối năm 2012 và 3,07% cuối năm 2011.
Đến cuối tháng 4/2013, nợ xấu do các ngân hàng "tự báo cáo" chỉ chiếm 4,67% tổng dư nợ. Trong khi đó, số liệu của cơ quan thanh tra giám sát tại Ngân hàng Nhà nước là 7,8%.
Cũng trong báo cáo lần này gửi Quốc hội, người đứng đầu ngành ngân hàng đã đưa ra những "kịch bản" nợ xấu suýt nữa có thể còn xấu hơn. "Nếu không xử lý nợ xấu bằng dự phòng rủi ro và không cơ cấu lại nợ theo Quyết định số 780 thì đến cuối tháng 4/2013 nợ xấu là 362.800 tỷ đồng, tương đương 11,5% tổng dư nợ", Thống đốc báo cáo.
Liên quan đến những lo ngại về khả năng tín dụng khó đạt mốc mục tiêu 12%, lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước vẫn cho rằng có những tín hiệu để đảm bảo cả năm tăng trưởng tín dụng đạt kế hoạch. Lý do được nhà điều hành đưa ra là tín dụng thường tăng mạnh vào 6 tháng cuối năm (6 tháng cuối năm 2012, tín dụng tăng gần 9%). Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất và thanh khoản của các ngân hàng đã tốt hơn nhiều so với năm ngoái. Ngoài ra, việc gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng cho người có thu nhập thấp, Công ty Quản lý tài sản (VAMC) đi vào vào hoạt động sẽ góp phần xử lý nợ xấu, khai thông tín dụng.
Trong bản báo cáo gửi Quốc hội, Thống đốc cũng nêu rõ những khó khăn, hạn chế trong việc xử lý nợ xấu. Một trong số đó theo ông là vẫn thiếu sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ và môi trường kinh doanh không thuận lợi khó thu hút các nguồn vốn đầu tư tái chính cho việc xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo. "Cơ chế, chính sách xử lý nợ, tài sản bảo đảm tiền vay còn nhiều vướng mắc, phức tạp, chậm được khắc phục, hoàn thiện để tạo điều kiện thuận lợi cho xử lý nợ xấu", ông Bình cho hay.
Ngân Hà