Vietnam Investment Summit (VIS) 2024 diễn ra tại TP HCM ngày 5/12 với sự đồng hành của Techcombank. Sự kiện mang đến những góc nhìn và cơ hội cho kỷ nguyên đầu tư mới tại Việt Nam.
Tại đây, ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank đánh giá từ năm 2020 đến 2021, lòng tin của nhà đầu tư khá tích cực. Dù trải qua đại dịch Covid-19, họ vẫn lạc quan về tương lai. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2022-2023, Việt Nam đối mặt nhiều biến động. Ông vẫn tin nhà đầu tư sẽ duy trì sự lạc quan.
Vị tổng giám đốc nhìn nhận Việt Nam cần chuẩn bị nhiều kịch bản phát triển kinh tế trong bối cảnh hiện tại. "Việt Nam là nơi sản xuất sản phẩm toàn cầu với chi phí thấp. Khi kinh tế tăng trưởng, ngành tài chính ngân hàng sẽ là động lực phát triển. Với Techcombank, để khác biệt và cạnh tranh, chúng tôi sẽ xác định lợi thế riêng của mình", ông nói rõ.
Theo ông Jens Lottner, Techcombank có năng lực công nghệ nhưng hạn chế về nhân sự. Ngân hàng cần tập trung đào tạo để nâng cao năng lực tư vấn và hỗ trợ khách hàng tốt hơn. Việc nhân rộng công nghệ tới từng nhân viên và khách hàng là mục tiêu quan trọng Techcombank nên tập trung vào.
Trong khi đó, người Việt Nam ngày càng giàu có và Techcombank cần tiếp cận nhóm này để xây dựng lòng tin. Ông Lottner nhận định thị trường tài sản thiếu đa dạng dễ gây "bong bóng". Do đó, các công ty chứng khoán phải tạo ra sản phẩm khác biệt đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.
Việc xây dựng sản phẩm lấy khách hàng làm trọng tâm và quản trị rủi ro hợp lý là cần thiết. Ông nhấn mạnh sự cần thiết của quỹ đầu tư nhằm thúc đẩy kinh tế nội địa và kết nối với nhà đầu tư quốc tế thông qua hợp tác giữa tư nhân, Nhà nước.
Ngoài ra, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam đang phát triển mạnh, tạo điều kiện cho việc mở rộng dịch vụ tài chính. Techcombank tập trung vào đáp ứng nhu cầu tài chính và phi tài chính của khách hàng.
"Fintech đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các ngân hàng truyền thống cập nhật công nghệ. Sự hợp tác giữa các start-up Fintech và ngân hàng truyền thống sẽ giúp củng cố điểm mạnh của nhau", Tổng giám đốc Techcombank nói.
Ông kết luận sáng tạo để giải quyết vấn đề là cách tạo ra sản phẩm đầu tư đa dạng hơn, bao gồm cả tiền số.
Cũng tại sự kiện, bà Nguyễn Hoài Thu, Tổng Giám đốc Điều hành Khối chứng khoán CTCP Quản lý Quỹ VinaCapital cho rằng, động lực kinh tế năm 2025 sẽ đến từ đầu tư công thay vì sản xuất và xuất khẩu. "Chính phủ sẽ có chính sách kích thích thị trường bất động sản để phục hồi tiêu dùng nội địa", bà Thu khẳng định.
Bà Thu dự báo GDP Việt Nam năm 2025 có thể tăng trưởng 6,5% nhờ sức chống chịu tốt hơn các nước khác trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, mục tiêu 8% là tham vọng và có thể yêu cầu nhiều chính sách mới trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Đức Hoàn, Tổng Giám đốc CTCK ACB (ACBS) nhận định Chính phủ đang nỗ lực tinh giảm bộ máy hành chính để tạo môi trường thu hút FDI vào Việt Nam. Để đạt tăng trưởng GDP 7-8%, việc cải thiện hạ tầng thông qua đầu tư công đang được tiến hành quyết liệt.
Thanh Thư