Trong bối cảnh lãi suất cho vay có xu hướng tăng, thì những dự án đầu tư xây dựng, sửa chữa nhà ở văn phòng, nhà xưởng có sử dụng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường và giảm tiêu thụ năng lượng được không ít nhà băng áp dụng lãi suất khá thấp.
Vào ngày 18/12 vừa qua, Ngân hàng Nam Á và Quỹ hợp tác khí hậu toàn cầu (GCPF) chính thức ký kết triển khai chương trình "tín dụng xanh" cấp vốn cho doanh nghiệp và cá nhân với lãi suất ưu đãi. Đây là bước đi đầu tiên của nhà băng này trong dự án cộng đồng "tôi chọn sống xanh".

Lãi suất cho vay với khách hàng kinh doanh, sản xuất bảo vệ môi trường chỉ 5-6% một năm.
Tín dụng xanh là những khoản tín dụng được ngành ngân hàng hỗ trợ cho các dự án sản xuất kinh doanh không gây rủi ro hoặc nhằm mục đích bảo vệ môi trường.
Không chỉ Nam Á Bank, nhiều ngân hàng cũng đã nhập cuộc với hoạt động cho vay này sau khi Ngân hàng Nhà nước phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam vào tháng 8/2018.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, hiện có khoảng 24% dự án xanh được các ngân hàng xây dựng quy trình thẩm định tín dụng, trong đó chủ yếu được thực hiện tại một số hội sở chính và chi nhánh của các ngân hàng như Sacombank, BIDV, VietinBank, Vietcombank, Agribank, SHB, ACB, Viet A Bank, OCB, Kien Long Bank, PVCombank, HSBC...
Bên cạnh đó, có 26% số ngân hàng xây dựng và triển khai quy trình quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, bao gồm các ngân hàng được cấp phép hoạt động dưới hình thức ngân hàng 100% vốn sở hữu nước ngoài như HSBC, Standard Chartered... Một số ngân hàng cổ phần trong nước cũng đã xây dựng và ban hành quy trình quản lý rủi ro môi trường và xã hội bằng văn bản.
Ông Lê Quang Quảng, Phó tổng giám đốc Nam Á Bank, cho rằng, chương trình "tín dụng xanh" không chỉ đem lại những lợi ích lớn cả về tăng trưởng phát triển kinh tế, mà còn nâng cao đời sống nhân dân và bảo vệ môi trường.
Đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước cũng thông tin, dư nợ tín dụng xanh đang tăng nhanh. Cụ thể, nếu như quý IV/2017 dư nợ tín dụng xanh chỉ đạt 180.121 tỷ đồng, thì quý I/2018 đã ở mức 188.270 tỷ đồng, quý II năm nay là 188.132 tỷ đồng. Đặc biệt, dư nợ tín dụng xanh đã tăng mạnh trong quý III/2018, đạt 235.717 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc đầu tư vào lĩnh vực xanh cũng gặp nhiều khó khăn vì đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao...
Theo đó, để thực hiện thành công chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững, cần huy động nguồn lực của toàn xã hội. Trong đó, ngành ngân hàng có trách nhiệm trong việc hỗ trợ tích cực cho quá trình chuyển đổi kinh tế sang hướng tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững thông qua cơ chế huy động và cung ứng vốn cho các dự án bảo vệ môi trường là đặc biệt quan trọng.
Lệ Chi