Trong văn bản phát đi chiều 4/5, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, 2 nhà băng là Ngân hàng cổ phần Nhà Hà Nội (Habubank) và Ngân hàng cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã phối hợp xây dựng đề án, hợp đồng sáp nhập đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Thông tư 04. Một trong những nguyên tắc quan trọng là bảo vệ khách hàng, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của khách, đặc biệt là người gửi tiền.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc các ngân hàng tự nguyện sáp nhập là giải pháp để giảm bớt số lượng các nhà băng yếu kém và tạo ra một hệ thống mới mạnh khỏe hơn. Trên thế giới, việc các định chế tài chính sáp nhập với nhau để tạo thành đơn vị lớn mạnh, có năng lực cạnh tranh cao hơn, là bình thường. Tại Việt Nam, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các nhà băng tự nguyện sáp nhập, hợp nhất.
Trước đó, hôm 28/4, đại hội cổ đông của Habubank đã trình phương án sáp nhập với SHB và được 85,21% cổ đông chấp thuận. Một nguyên nhân khiến Habubank phải sáp nhập là khoản nợ 3.000 tỷ đồng ngân hàng này cho Vinashin vay có nguy cơ mất vốn. Ngoài ra, nợ xấu tính đết hết tháng 2 của Habubank là 16,06%.
Sau khi sáp nhập, Habubank đổi tên thành Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB). Vốn điều lệ của ngân hàng sau khi sáp nhập gần 9.000 tỷ, tổng tài sản trên 100.000 tỷ đồng- quy mô của các ngân hàng trong nhóm G12. Ban lãnh đạo của ngân hàng mới sẽ có 22 người gồm 7 trong HĐQT, 5 tại Ban kiểm soát, 10 thuộc Ban điều hành. Tổng số nhân viên khoảng trên 4.860 người.
L. Anh