Tại hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, sáng 7/12, Ngân hàng Nhà nước cho biết khả năng hấp thụ tín dụng của thị trường bất động sản đang suy giảm, chiếm khoảng 21% tín dụng chung. Trong 10 tháng đầu năm nay, tín dụng địa ốc tăng 6,75%, thấp hơn mức tăng trưởng chung là 6,96%. Trong khi đó dư nợ kinh doanh bất động 10 tháng đầu năm đạt 23,1%, vượt cả năm 2022. Đây là mức tăng rất cao, gấp gần ba lần tăng trưởng tín dụng chung.
Tuy nhiên dư nợ tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản, chiếm đến 64% dư nợ ngành, lại giảm 0,7%. Đây là lần đầu tiên giảm trong ba năm gần đây, cho thấy tín dụng đang tập trung vào phía cung thị trường, tức các nhà phát triển, đầu tư bất động sản. Diễn biến này cho thấy nhu cầu mua nhà ở chưa được khách hàng ưu tiên hiện tại.
Lý do được Ngân hàng Nhà nước nêu ra là cơ cấu sản phẩm không hợp lý, dư thừa nguồn cung cao cấp, thiếu nhà ở giá rẻ, phù hợp với nhu cầu phần đông người dân. Trong khi đó, các dự án gặp khó về pháp lý nên không đáp ứng được điều kiện tín dụng, dẫn tới khó tiếp cận nguồn vốn. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu lĩnh vực bất động sản đạt 2,9%, có chiều hướng gia tăng so với cuối năm ngoái.
Để khơi thông dòng vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước cho rằng cần xử lý các vấn đề tồn tại của thị trường bất động sản. Cơ quan này kiến nghị Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện các dự thảo luật sửa đổi, nhất là Luật Đất đai. Bộ Xây dựng cần theo dõi diễn biến và nhu cầu của thị trường, gồm loại hình, phân khúc bất động sản, để đề xuất giải pháp tháo gỡ.
Tại hội nghị, Thủ tướng cho biết các doanh nghiệp bất động sản đang kêu khó tiếp cận vốn nhưng vẫn muốn giữ giá bán như cũ trong bối cảnh thị trường khó khăn. Do đó, ông đề nghị doanh nghiệp bất động sản cơ cấu lại phân khúc hợp lý thị trường, hạ giá thành.
Ngọc Diễm