Theo thông báo từ Ngân hàng Nhà nước, phiên đấu thầu vàng miếng lần thứ 6 sẽ tổ chức vào sáng 14/5, để tăng cung cho thị trường.
Giá tham chiếu để doanh nghiệp đặt cọc là 88 triệu đồng một lượng. Mức giá tham chiếu này hiện đắt hơn 500.000 đồng một lượng so với giá SJC mua vào từ người dân chiều nay và thấp hơn 2 triệu đồng so với giá bán ra.
Giá sàn để doanh nghiệp bỏ thầu sẽ được công bố ngày mai, ngay trước phiên đấu thầu. Giới kinh doanh vàng cho biết giá sàn - giá tối thiểu Ngân hàng Nhà nước dự kiến bán ra cho doanh nghiệp - sẽ bằng hoặc cao hơn giá tham chiếu được công bố 88 triệu đồng.
Trong phiên đấu thầu ngày mai, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thay đổi về số lượng tối thiểu và tối đa doanh nghiệp được phép đặt cọc.
Theo đó, lượng tối thiểu doanh nghiệp có thể đặt thầu giảm từ 700 lượng xuống còn 500 lượng. Mức mua tối đa là 4.000 lượng, gấp đôi so với ngưỡng 2.000 lượng trước đó. Sự điều chỉnh này, dự kiến có thể khuyến khích nhiều đơn vị tham gia đặt thầu hơn.
Tuần này, Ngân hàng Nhà nước dự kiến có hai phiên đấu thầu, tăng gấp đôi tần suất so với trước, để thêm nguồn cung ra thị trường. Về lâu dài, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà nói cơ quan này sẽ đề xuất sửa Nghị định 24.
Hai tuần gần đây, 5 phiên gọi thầu được Ngân hàng Nhà nước tổ chức với mục đích tăng cung ra thị trường, hạ nhiệt giá vàng miếng so với thế giới. Tuy nhiên, các phiên thầu được đánh giá là chưa thành công.
Đến nay, chỉ khoảng 6.800 lượng vàng miếng, chiếm 8% quy mô chào thầu được tung ra thị trường. Số vàng này nhanh chóng được thị trường hấp thụ, đẩy giá vàng miếng SJC càng lên cao sau các phiên đấu thầu.
Giá vàng miếng SJC hôm nay "nhảy múa" sau chỉ đạo khẩn thanh tra thị trường của Phó thủ tướng. Mỗi lượng vàng miếng đột ngột giảm hơn 3 triệu đồng lúc mở cửa sau đó biến động tăng, giảm liên tục trong ngày, tới đầu giờ chiều neo quanh 90 triệu đồng.
Quỳnh Trang