Ngân hàng Nhà nước vừa thông báo giảm thêm một số lãi suất điều hành với mức điều chỉnh 0,2-0,5% một năm từ ngày 1/8. Theo đó, lãi suất áp dụng cho tiền gửi dự trữ bắt buộc và vượt dự trữ bắt buộc bằng tiền đồng giảm 0,5 điểm phần trăm xuống còn 0,5% một năm.
Mức lãi suất tiền gửi của Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tại Ngân hàng Nhà nước giảm còn 0,8% một năm, tương đương mức giảm 0,2 điểm phần trăm.
Từ 1/8, lãi suất tiền gửi bằng VND của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô tại Ngân hàng Nhà nước cũng giảm 0,2 điểm phần trăm còn 0,8%.
6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng chỉ 2,8% - thấp hơn nhiều so với cùng kỳ. Trong bối cảnh hệ thống ngân hàng thừa tiền, việc giảm lãi suất dự trữ bắt buộc và không bắt buộc khi gửi tại Ngân hàng Nhà nước sẽ khuyến khích các nhà băng cung tiền ra thị trường.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng giảm một số lãi suất điều hành như tái cấp vốn hay tái chiết khấu, trần lãi suất tiết kiệm để góp phần giảm lãi suất cho vay.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng việc hạ lãi suất lúc này chưa hỗ trợ được nhiều cho nền kinh tế. Doanh nghiệp bị tác động tiêu cực vì dịch bệnh chưa tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng không hẳn do lãi suất cao mà vì họ khó đáp ứng được yêu cầu về tài sản đảm bảo hay kế hoạch kinh doanh khả thi trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.
Chuyên gia cho rằng, hỗ trợ thanh khoản tức thì là giải pháp thiết thực nhất để hỗ trợ doanh nghiệp sống sót qua giai đoạn khó khăn trong khi việc giảm lãi suất cần có độ trễ nhất định.
Quỳnh Trang