Ngày 12/3, Ngân hàng Nhà nước chào thầu tín phiếu kỳ hạn 28 ngày và có 8 thành viên trúng thầu với khối lượng gần 15.000 tỷ đồng, lãi suất 1,4%. Trong phiên trước đó, nhà điều hành cũng đã đấu thầu thành công 15.000 tỷ đồng tín phiếu với mức lãi suất tương tự.
Đây là lần đầu Ngân hàng Nhà nước đấu thầu tín phiếu kể từ cuối năm ngoái. Trong năm 2023, nhà điều hành cũng có hai đợt hút tiền qua tín phiếu vào đầu năm và cuối quý III.
Cụ thể, tháng 2 năm ngoái, cơ quan này có đợt hút tiền qua kênh tín phiếu với tổng quy mô gần 400.000 tỷ đồng trong một tháng. Lần gần nhất Ngân hàng Nhà nước thực hiện nghiệp vụ này là cuối quý III năm ngoái, với quy mô 360.000 tỷ đồng.
Tín phiếu phát hành trong hai phiên gần đây đều có kỳ hạn 28 ngày, được chào bán theo phương thức đấu thầu lãi suất. Theo đó, thông tin về loại giấy tờ có giá này được chuyển đến cho các ngân hàng qua Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước để đăng ký đấu thầu. Nhà băng trúng thầu sẽ nộp tiền mua tín phiếu cho Ngân hàng Nhà nước và hết kỳ hạn tín phiếu, được "trả gốc và lãi" tương tự như gửi tiết kiệm. Số tiền hút về qua kênh tín phiếu theo đó sẽ được bơm trả ra thị trường liên ngân hàng sau 28 ngày kể từ lúc phát hành.
Hoạt động bơm, hút tiền qua kênh tín phiếu là nghiệp vụ thông thường của Ngân hàng Nhà nước tác động đến lượng tiền trên thị trường liên ngân hàng (nơi các nhà băng vay mượn lẫn nhau), không lưu thông trên thị trường dân cư.
Theo các chuyên gia, việc hút tiền qua tín phiếu sẽ khiến một lượng tiền không lưu thông đi từ hệ thống ngân hàng thương mại vào Ngân hàng Nhà nước. Hoạt động này không tác động tới thanh khoản chung hay cung cầu ngoại tệ mà gián tiếp tác động lên tỷ giá.
Nếu Ngân hàng Nhà nước liên tục thực hiện chào thầu tín phiếu, nhà điều hành sẽ tái kiểm soát lãi suất liên ngân hàng ở mức ổn định (không để giảm sâu), từ đó tác động tới chênh lệch lãi suất VND/USD, gián tiếp ảnh hưởng lên tỷ giá. Việc này có thể giảm bớt ảnh hưởng của hoạt động kinh doanh lãi suất, còn được gọi là "carry trade" khi chênh lệch lãi suất VND/USD duy trì ở mức cao.
Động thái hút tiền qua kênh tín phiếu diễn ra trong bối cảnh tỷ giá gần đây tăng mạnh, đặc biệt là giá USD trên thị trường chợ đen. Từ đầu năm đến nay, tỷ giá trên thị trường chính thức tăng 1,8% trong khi giá USD tự do tăng 3,75%.
Theo nhận định của ông Huỳnh Minh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư FIDT, dòng tiền đầu cơ vào tiền số và vàng giai đoạn gần đây tạo áp lực lớn lên tỷ giá, đặc biệt là giá USD chợ đen. Cả vàng và tiền số đều liên tiếp thiết lập mức đỉnh và xu hướng đầu cơ mạnh dần. Không có cụ thể số liệu về quy mô đầu cơ vào tiền số và vàng nhưng theo ông Tuấn dòng tiền này có thể tạo ra các áp lực trên thị trường tài chính.
Bên cạnh đó, theo Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), dữ liệu thương mại hai tháng đầu năm nay cho thấy dù thặng dư thương mại tổng thể mở rộng so với cùng kỳ năm trước, thâm hụt thương mại của khu vực trong nước cũng có chiều hướng tăng mạnh. Nhu cầu nhập khẩu của khối trong nước tăng dẫn đến áp lực mất giá đối với tiền đồng trên thị trường chính thức.
Ngoài ra, chênh lệch dương lãi suất USD và tiền đồng tăng trở lại trong những ngày gần đây, ngầm hiểu rằng tác động của hoạt động carry trade (giao dịch chênh lệch lãi suất tiền tệ) lên diễn biến của tiền đồng chưa chấm dứt.
Quỳnh Trang