"Trong trường hợp cần thiết, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Nai sẽ có những biện pháp xử lý thông qua nguồn vốn cho vay hỗ trợ thanh khoản trong hệ thống quỹ tín dụng nhân dân và các biện pháp cần thiết khác để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân gửi tiền", Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh trong một thông cáo phát đi ngày 23/11.
Chia sẻ với VnExpress, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng giải thích thêm, việc trả lại tiền cho người dân gửi hợp pháp không phải sử dụng từ nguồn bảo hiểm tiền gửi mà lấy từ nguồn vốn cho vay hỗ trợ thanh toán của các quỹ tín dụng nhân dân.
Liên quan đến việc Giám đốc Quỹ tín dụng Thái Bình ở tỉnh Đồng Nai bỏ trốn, trong thông cáo, Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Nai đã chuyển hồ sơ sang cơ quan công an tỉnh điều tra xác minh và đã khởi tố vụ án, xử lý vụ việc đúng quy định của pháp luật.
Cơ quan này cũng cho hay, vụ việc vi phạm tại Quỹ tín dụng Thái Bình đã được Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Nai phát hiện từ cuối tháng 4/2017, và lập tức cho thực hiện việc kiểm soát đặc biệt đối với quỹ; phối hợp cấp chính quyền địa phương thực hiện các giải pháp thu giữ và xử lý tài sản của quỹ; thu nợ người vay quá hạn để có các nguồn tiền trả cho người gửi.
Theo Ngân hàng Nhà nước, việc bỏ trốn của ông Vũ Công Liêm - Giám đốc Quỹ tín dụng nhân dân Thái Bình đã làm cho người gửi tiền lo lắng và tập trung đến quỹ này rút tiền gửi trước hạn. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng của tỉnh đã giải thích rõ cho người gửi tiền tránh vì yếu tố tâm lý lo lắng phải rút tiền gửi trước hạn làm mất quyền được hưởng lãi suất có kỳ hạn. Đến nay, sự việc đã dần ổn định.
Hiện, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo chi nhánh tỉnh Đồng Nai tiếp tục giám sát chặt chẽ hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân Thái Bình; phối hợp với cơ quan chức năng xem xét trách nhiệm của những cá nhân liên quan để có các biện pháp thu hồi nợ trả tiền gửi cho người dân.
Cơ quan này cũng cho biết thêm, việc xử lý quỹ tín dụng nhân dân yếu kém ở một số địa phương thời gian qua đã được chỉ đạo tích cực, tạo được niềm tin của người gửi tiền với nguyên tắc quan trọng nhất là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.
Quỹ tín dụng Thái Bình được thành lập vào năm 1994 và do ông Vũ Công Liêm (ngụ phường Tân Hòa, Thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) làm giám đốc. Quỹ hoạt động theo mô hình hợp tác xã.
Quỹ này mất khả năng chi trả cho 80 khách hàng với số tiền 50 tỷ đồng vào khoảng đầu năm đến nay. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai sau đó vào cuộc thanh tra, kiểm tra và phát hiện quỹ này vi phạm quy định trong huy động, sử dụng vốn.
Theo đó, Giám đốc Quỹ tín dụng Thái Bình đã sử dụng uy tín cá nhân và quỹ tín dụng để huy động, sử dụng tiền gửi trái quy định; thao túng quỹ, cố ý làm trái để tư lợi và chỉ đạo nhân viên dưới quyền làm sai, làm giả hồ sơ để rút tiền dùng vào mục đích cá nhân.
Ngân hàng Nhà nước vẫn giám sát và có hướng giải quyết cho khách hàng, trong đó đảm bảo lợi ích của người dân đã gửi tiền vào quỹ tín dụng này theo quy định. Cơ quan bảo hiểm cũng đang tiến hành các thủ tục chi trả với khoản bảo hiểm tiền gửi của khách hàng. Mấy ngày qua, hàng chục người dân kéo đến Qũy tín dụng nhân dân Thái Bình để đòi tiền gửi. Theo thống kê của cơ quan chức năng, khoảng 80 người gửi hơn 50 tỷ đồng vẫn chưa thể rút được tiền.
"Do quỹ tín dụng Thái Bình nhỏ nên việc quỹ này mất khả năng thanh khoản không ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức tín dụng khác. Hệ thống tín dụng trên địa bàn tỉnh vẫn hoạt động bình thường", lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai nói và cho biết người dân không nên quá hoang mang, lo lắng.
Thanh Lê