Việc phân bổ hạn mức tín dụng này được Ngân hàng Nhà nước gửi các tổ chức tín dụng ngày 31/12/2023.
Theo đó, định hướng tăng trưởng tín dụng năm nay khoảng 15%, có linh hoạt điều chỉnh phù hợp với thực tế. Năm ngoái, mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 14-15%, nhưng kết quả thực hiện đến 21/12 đạt khoảng 11%.
"Để tạo thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cung ứng nguồn vốn ra nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và yêu cầu các nhà băng kiểm soát cả năm theo quy định", văn bản nêu.
Năm nay, dựa trên diễn biến thực tế, nhà điều hành cấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng và chủ động điều chỉnh hạn mức (room) cho từng nhà băng, mà không yêu cầu họ phải gửi đề nghị cấp thêm.
Đây là điểm khác biệt trong cách điều hành tín dụng của Ngân hàng Nhà nước so với mọi năm, vốn thường chia nhiều đợt và yêu cầu các nhà băng gửi đề nghị. Lãnh đạo một nhà băng nói điểm tích cực này giúp họ chủ động hoạch định kế hoạch kinh doanh cả năm.
Công thức tính chỉ tiêu tăng trưởng cho từng nhà băng được Ngân hàng Nhà nước dựa trên các yếu tố đầu vào gồm: dư nợ tín dụng năm 2023, điểm xếp hạng năm 2022, các khoản bán dư nợ tín dụng trong 2024 và chưa thu hồi được tiền.
Các tổ chức tín dụng, trừ ngân hàng 100% vốn nước ngoài và ngân hàng liên doanh, không được vượt quá mức dư nợ tín dụng quy định tại bất cứ thời điểm nào trong năm. Còn với các nhà băng 100% vốn nước ngoài và liên doanh, dư nợ tín dụng tại thời điểm cuối 2024 không được vượt quá mức được cấp.
Ngoài giao hạn mức, Ngân hàng Nhà nước cũng nghiêm cấm cấp tín dụng không đúng quy định, cấp cho ban lãnh đạo, ban điều hành và người có liên quan của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái, doanh nghiệp sân sau... với lãi suất ưu đãi trong khi người dân, doanh nghiệp có nhu cầu chính đáng, hợp pháp lại gặp khó khăn trong tiếp cận vốn. Nhà điều hành cũng yêu cầu các nhà băng tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất huy động và phấn đấu giảm lãi suất cho vay.
Sự thay đổi trong cách điều hành tín dụng của Ngân hàng Nhà nước diễn ra sau khi Thủ tướng nhiều lần có các công điện về việc đẩy vốn ra nền kinh tế.
Cuối tháng 11/2023, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước rút kinh nghiệm từ việc điều hành tín dụng chậm trong năm 2022. Theo ông, việc điều hành tăng trưởng tín dụng cần kịp thời, hiệu quả, bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng cho nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, tuyệt đối không để tắc nghẽn, ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm.
Quỳnh Trang