Lĩnh vực tài chính Nga đang chịu sức ép rất lớn từ đồng rouble giảm và các lệnh trừng phạt của phương Tây. Thiếu vốn quốc tế, các ngân hàng đang ngày càng khó cho vay doanh nghiệp trong nước, đe dọa đến nền kinh tế vốn đã rất mong manh.
Tuần trước, Trust Bank đã phải cầu cứu trợ giúp từ Chính phủ. Theo đó, ngân hàng trung ương sẽ cấp cho nhà băng này tới 99 tỷ rouble (1,7 tỷ USD). Ngân hàng được chỉ định giám sát hoạt động cứu trợ Trust Bank cũng sẽ được cho vay thêm 470 triệu USD.
Bộ trưởng Tài chính Nga - Anton Siluanov cũng cho biết Chính phủ sẽ bơm thêm vốn vào các ngân hàng quốc doanh là VTB và Gazprombank. VTB hiện là một trong các nhà băng lớn nhất nước này.
Tuy nhiên, ngân hàng Nga có lẽ cần nhiều trợ giúp hơn thế. Các lệnh trừng phạt của phương Tây đã khiến công ty Nga không thể tiếp cận vốn vay Mỹ và châu Âu.
"Các ngân hàng còn phải cấp vốn cho công ty bị trừng phạt hoặc không thể vay vốn nữa", Sergey Voronenko - một giám đốc tại Standard & Poor's cho biết. Vì thế, họ cần trợ giúp nhiều hơn từ Chính phủ.
Lãi suất cho vay liên ngân hàng tại Nga cũng đã tăng vọt, CNN cho biết. Lãi suất vay qua đêm hiện quanh 18%, cho thấy ngay cả các tổ chức tài chính cũng ngần ngại cho vay lẫn nhau. Việc này càng làm tăng sự phụ thuộc của họ vào nguồn tiền từ Chính phủ.
Voronenko cho biết các ngân hàng và tập đoàn lớn sẽ phải trả 100 tỷ USD nợ nước ngoài năm tới. Nhưng đồng rouble mất giá càng khiến việc này trở nên khó khăn. Từ đầu năm, giá rouble đã giảm 40% so với USD, khiến nhiều hàng hóa nước ngoài phải ngừng bán tại Nga.
Nó cũng khiến người Nga đổ xô rút tiền khỏi ngân hàng, Voronenko cho biết đã có một "đợt rút tiền tiết kiệm trong hoảng loạn" xảy ra tháng này. Các ngân hàng Nga có thể phải đối mặt với tình hình kinh doanh khó khăn và bất ổn hơn trong năm 2015.
Năm nay, ngân hàng trung ương Nga đã chi tới 110 tỷ USD dự trữ ngoại hối để đẩy giá đồng rouble. GDP Nga tháng 11 đã giảm lần đầu tiên sau 5 năm. Và nền kinh tế phụ thuộc lớn và xuất khẩu năng lượng này được dự báo chìm sâu vào suy thoái năm tới, nếu giá dầu tiếp tục ở mức thấp.
Tuy nhiên, Holger Schmieding - kinh tế trưởng tại Berenberg cho biết Nga có thể ngăn chặn một cuộc khủng hoảng ngân hàng có hệ thống, kể cả nếu bị rút vốn hàng loạt. Ông tin rằng Chính phủ có biện pháp tái cấp vốn các ngân hàng và giúp các công ty trả được nợ nước ngoài.
Dù vậy, ông cho rằng để tránh suy thoái sâu, Nga vẫn cần có biện pháp để được gỡ bỏ lệnh trừng phạt. "Điều duy nhất Nga có thể làm để giảm nhẹ suy thoái và ngăn dòng vốn chảy ra ngoài là rút khỏi Ukraine", ông nói.
Hà Thu