Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho biết, trong năm 2017, doanh nghiệp này mua 3.142 tỷ đồng nợ xấu từ 5 tổ chức tín dụng theo giá thị trường, vượt kế hoạch được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt hồi đầu năm.
Mua theo giá trị thị trường là hình thức được VAMC áp dụng bên cạnh mua bằng trái phiếu đặc biệt. VAMC được phê duyệt phương án mua bán nợ theo giá trị thị trường từ tháng 4/2016, qua đó hình thành thị trường mua bán nợ thứ cấp mà trong đó doanh nghiệp này là tổ chức trung tâm.
Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) là đối tác lớn nhất của VAMC trong thời gian đầu triển khai hình thức mua bán này. Cụ thể, VAMC chi gần 2.608 tỷ đồng để mua hai khoản nợ có dư nợ gốc 2.400 tỷ đồng. Đây là một phần trong thỏa thuận mua bán nợ có tài sản đảm bảo là bất động sản, máy móc thiết bị tại Đà Nẵng và TP HCM được hai bên ký kết vào cuối tháng 9 năm ngoái.
VAMC còn mua một số khoản nợ theo giá trị thị trường từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) với dư nợ gốc 299 tỷ đồng, Ngân hàng Phát triển TP HCM (HDBank) với dư nợ gốc hơn 40 tỷ đồng…
Khoản nợ có giá trị nhỏ nhất doanh nghiệp này từng mua đến từ Ngân hàng Bản Việt, trị giá chưa đầy 10 tỷ đồng. Một khoản nợ khác của Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank) được VAMC mua với giá trị thấp hơn dư nợ gốc 191 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo VAMC cho biết, công ty đang hoàn thiện các thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm, triển khai công tác xử lý và đã thu hồi hơn 130 tỷ đồng từ các khoản nợ. Dự kiến trong nửa đầu năm nay sẽ thu hồi toàn bộ số tiền mua nợ. Công ty đặt kế hoạch mua 3.500 tỷ đồng nợ theo giá trị thị trường và thu hồi 4.890 tỷ đồng.
Theo đề án tái cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 được Thủ tướng phê duyệt năm ngoái, vốn điều lệ của VAMC sẽ tăng từ 2.000 tỷ lên 5.000 tỷ đồng. Công ty tiếp tục là doanh nghiệp do nhà nước sở hữu 100% vốn, hoạt động chính trong lĩnh vực mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng, thu hồi và xử lý nợ, tài sản đảm bảo.
Phương Đông