"Chúng tôi rõ ràng đã đánh giá sai về việc dự án này sẽ được người hâm mộ đón nhận ra sao, cũng như cách Super League có thể tác động đến bóng đá trong tương lai. Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm sau sự việc này", JP Morgan thông báo hôm 23/4.
Theo Guardian, JP Morgan có cam kết tài chính với Super League bằng khoản cho vay 3,6 tỷ USD trong 23 năm. Cụ thể, mỗi đội tham dự giải đấu sẽ nhận được 240 đến 362 triệu USD. Tuy nhiên, ngân hàng Mỹ đã rút lại khoản tiền tài trợ trên, ba ngày sau khi họ bị Standard Ethics - cơ quan xếp hạng báo cáo phát triển hạ thấp mức xếp hạng tín nhiệm.
Tối 18/4, 12 CLB hàng đầu châu Âu tuyên bố thành lập Super League, thay thế Champions League. Số này gồmMan City, Liverpool, Man Utd, Chelsea, Arsenal, Juventus, Milan, Inter, Real, Barcelona và Atletico.
Nhóm sáng lập Super League đặt tham vọng hướng đến giải đấu có doanh thu lên đến sáu tỷ USD mỗi năm và mỗi CLB được chia thưởng hàng trăm triệu từ đó, gấp nhiều lần so với Champions League.
Nhưng kế hoạch này không nhận được sự ủng hộ từ các CĐV và nhanh chóng tan thành mây khói. Hai ngày sau khi Super League được thành lập, sáu thành viên đến từ Ngoại hạng Anh thông báo rút khỏi dự án. Một ngày sau, Inter, Milan và Atletico Madrid cũng ra quyết định tương tự. Phó Chủ tịch Super League đồng thời là Chủ tịch Juvetus Andrea Agnelli vì thế thừa nhận sân chơi mới thành lập chưa thể diễn ra vào tháng Tám như dự kiến.
Hôm 22/4, chủ tịch Super League Florentino Perez khẳng định dự án chưa phá sản, và 12 đội bóng sáng lập vẫn ở lại, ngay kể cả sáu đội bóng Anh, vì hợp đồng ràng buộc về mặt pháp lý đã được ký kết. Tuy nhiên, với việc JP Morgan tuyên bố rút lui, kế hoạch tổ chức siêu giải đấu này coi như đổ bể.
Hồng Duy tổng hợp